MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đóng băng đang khiến cho ngành xây dựng chịu nhiều thiệt hại. Ảnh: Bảo Chương

Doanh nghiệp ngành xây dựng lao đao

Gia Miêu LDO | 03/06/2023 18:01

Thị trường bất động sản khó khăn, giải ngân đầu tư công chậm đang là những nguyên nhân khiến cho kết quả kinh doanh của hàng loạt công ty xây dựng rơi vào cảnh thua lỗ, thiếu dòng tiền.

Báo cáo tài chính quý I.2023 của một số ông lớn trong ngành xây dựng đang cho thấy kết quả bết bát. Nặng nhất là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Doanh thu quý I.2023 của Hoà Bình giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.194 tỉ đồng, thấp nhất kể từ sau quý III.2015.

Không chỉ vậy, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình còn kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp 202 tỉ đồng, đánh dấu quý lỗ gộp thứ 2 liên tiếp. Chịu thêm chi phí tài chính rất lớn, kết quý I.2023, Hoà Bình lỗ trước thuế 442 tỉ đồng, lỗ sau thuế 445 tỉ đồng. Đây là khoản lỗ sau thuế thứ 2 liên tiếp, đưa mức lỗ lũy kế lên 1.137 tỉ đồng.

Cũng chung cảnh thua lỗ còn có những cái tên như là Hưng Thịnh Incons và Tập đoàn Đua Fat với mức lỗ trước thuế lần lượt là 17 tỉ đồng và 20 tỉ đồng. Không đến nỗi thua lỗ nhưng các ông lớn trong ngành xây dựng khác như Ricons, Coteccons, Tổng công ty Thăng Long... đều chịu cảnh lợi nhuận suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ. 

Có thể nói, đây là thời kỳ khó khăn nhất với ngành xây dựng nói chung, đó là không nhận được thanh toán của các khách hàng. Khó khăn này khiến các doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng không có đủ tiền để trả cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp, sản xuất, phân phối kinh doanh vật liệu xây dựng, nợ xấu tăng nhanh.

Dù đã rất cố gắng, nhưng các doanh nghiệp không thể nào cải thiện được tình hình khi mà các khoản nợ của khách hàng ngày càng tăng, dẫn tới việc doanh nghiệp xây dựng bắt buộc phải trích lập dự phòng nợ xấu. Điển hình trong năm 2022, Hòa Bình và Coteccons đã phải trích lập lần lượt hơn 1.000 tỉ đồng và gần 400 tỉ đồng dự phòng.

Doanh nghiệp ngành xây dựng đang trong thời kỳ cực kỳ khó khăn. Ảnh: Gia Miêu

Đáng lo ngại trong tình hình hiện nay khi không thể thu hồi công nợ, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã phải gia tăng vay nợ để hoạt động khiến áp lực vay nợ và chi phí vay tăng. Chẳng hạn như Hoà Bình đang có dư nợ vay gần 6 nghìn tỉ đồng tương ứng với chi phí lãi vay lên 530 tỉ đồng. Hay như Tổng công ty xây dựng số 1 cũng đang có dư nợ vay trên 6.000 tỉ đồng, Coteccons là hơn 1.100 tỉ đồng.... Hệ quả tất yếu là chi phí tài chính trở thành một gánh nặng đối với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay.

Ghi nhận quý I/2023, chi phí tài chính của các doanh nghiệp đều tăng rất mạnh như Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons, Công ty cổ phần Xây dựng SCG… với hệ số đòn bẩy tài chính rất cao, vượt quy mô vốn chủ sở hữu.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc phân tích tài chính của DGCapital nhận định, ngành xây dựng hiện tại vẫn đang trông cậy chủ yếu vào hai nguồn, một là sự phục hồi của thị trường bất động sản và hai là việc giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công.

Rất tiếc, cả hai nguồn này đều không dễ có trong một sớm một chiều. Trước khi chờ hỗ trợ từ bên ngoài, các doanh nghiệp cần tự cứu mình, tự thân tìm các giải pháp giải quyết bài toán tài chính riêng cho doanh nghiệp.

Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành này sẵn sàng thoái vốn, chuyển nhượng bớt dự án không quan trọng; linh hoạt trong thu hồi nợ bằng cách nhận lại các sản phẩm bất động sản của các chủ đầu tư dự án... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn