MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp thấp thỏm chờ công nhận chủ đầu tư: Sửa đổi là cần thiết

Tuấn Anh LDO | 19/09/2021 16:42

Một số tồn tại trong trong Luật Nhà ở 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã gây tác động kiềm chế nghiêm trọng sự phát triển đối với thị trường bất động sản. Để doanh nghiệp có môi trường đầu tư công bằng, minh bạch, giới chuyên gia cho rằng cần sửa đổi, bổ sung những luật này, tạo sự đồng bộ với môi trường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Sửa đổi, bổ sung là cần thiết

Chia sẻ với PV Lao Động vào chiều ngày 19.9, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định, Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở 2014) đang cản trở sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người mua nhà và làm sụt giảm nguồn thu ngân sách của Nhà nước. 

Ông Châu cho biết, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về việc đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 vào ngày 19.9.2021, HoREA đóng góp ý kiến rằng, việc sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không làm phát sinh thêm “đầu luật mới” và giải quyết kịp thời khó khăn cho loạt doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch COVID-19.

"Để có thời gian xem xét xây dựng hoàn thiện pháp luật về nhà ở, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng “Đề án xây dựng Luật Nhà ở” để đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Nếu chờ đợi Quốc hội thông qua “Đề án xây dựng Luật Nhà ở” thì phải mất thời gian trên một năm rưỡi nữa...".

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA. Ảnh: Phan Anh

Theo HoREA, việc sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở 2014 với Luật Đất đai 2013 cùng Đầu tư 2020 về “phạm vi điều chỉnh” của quy phạm pháp luật và về công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Doanh nghiệp thấp thỏm chờ đợi tháo gỡ vướng mắc về luật

Theo HoREA, chỉ khoảng 5% các dự án nhà ở thương mại có 100% đất ở (tức là cứ 100 dự án mới có được 5 dự án không có % nào đất chuyển đổi mục đích sử dụng); có khoảng trên dưới 80 dự án có đất ở và các loại đất khác và có khoảng trên dưới 10 dự án có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nhưng lại thường là các dự án lớn. 

Chính vì vậy HoREA cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020) và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 sẽ giúp kiến tạo môi trường đầu tư trên lĩnh vực bất động sản minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và đồng bộ với môi trường đầu tư trên các lĩnh vực khác theo quy định thông thoáng của Luật Đầu tư. 

Chủ tịch HoREA chỉ ra, trong giai đoạn 2015-2020, Luật Nhà ở 2014 đã tạo ra sân chơi chưa công bằng, chưa bình đẳng cho tất cả nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Phan Anh

"Giai đoạn 2015-2020, Luật Nhà ở chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với 1 trường hợp duy nhất là nhà đầu tư có 100% đất ở. Điều này dẫn tới nguồn cung dự án sụt giảm rất lớn, dẫn đến ngân sách nhà nước bị thất thu cả về thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Trong khi đó, từ ngày 1.1.2021, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, đã “nới lỏng” thêm việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cho thêm 1 trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác”, nên vẫn còn “bỏ sót” các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, thì vẫn không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. 

Nếu không sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 thì các dự án chỉ có đất nông nghiệp, hoặc chỉ có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở vẫn sẽ tiếp tục không được công nhận chủ đầu tư, mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng số dự án nhà ở thương mại trên thị trường nhưng lại thường là các dự án có quy mô diện tích lớn", ông Châu chia sẻ. 

Trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo một số tập đoàn, công ty bất động sản khẳng định đồng thuận với ý kiến của HoREA, đồng thời họ cũng mong muốn sớm tháo gỡ những vướng mắc trên để phát triển.

Về nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, ngày 15.9, Văn phòng Chính phủ có công văn chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn