MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần đây Chính phủ đã khởi xướng nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng công trình xanh ở Việt Nam vẫn còn có nhiều rào cản và thách thức. Ảnh: NVCC

Doanh nghiệp xây dựng hướng đến phát triển xanh, phát thải thấp

Phan Anh LDO | 20/09/2023 18:30

Trong bối cảnh thế giới đang gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, thiếu nguồn cung năng lượng, áp lực của gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đều có định hướng chính sách theo hướng phát triển xanh, thông minh, phát thải thấp hướng đến bền vững.

Xây toà nhà tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính

Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa carbon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Bộ Xây dựng thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận xanh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2 và đang đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều tòa nhà, công trình xanh đã được vinh danh và được biết đến là những đơn vị tiên phong trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính như: Khách sạn JW Marriott Hà Nội, Tòa nhà Xanh của Liên hợp quốc tại Hà Nội, Novotel Thái Hà, Toà nhà Corner Stone Building...

Không gian xanh

Ông Phạm Đăng Dung - Kỹ sư trưởng khách sạn Dolce Hanoi Golden Lake (một trong những tòa nhà đang áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng) cho biết, khách sạn này được thiết kế với 100% các phòng đều hướng ra cảnh quan bên ngoài, đảm bảo tỉ lệ tiếp cận với ánh sáng và thông gió tự nhiên.

"Để giảm hấp thụ nhiệt hiệu quả nhất, tường bao quanh được xây sử dụng gạch rỗng không nung với hệ số truyền nhiệt thấp, giúp khách sạn hạn chế được năng lượng thất thoát khi vận hành hệ thống điều hòa không khí để bù lại tải nhiệt của bức xạ mặt trời tác động vào tường bao quanh. Bên cạnh khâu thiết kế thì việc đầu tư trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng được chủ đầu tư chú trọng. Cụ thể, các thiết bị được sử dụng trong tòa nhà như: điều hòa cục bộ, màn hình LCD hoặc laptop, máy in, đèn LED… đều là thiết bị được dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương" - ông Dung chia sẻ với báo chí.

Được biết đến là một đơn vị luôn chú trọng, quan tâm đến việc phát triển không gian xanh, đại diện lãnh đạo Tập đoàn bất động sản có khu đô thị xanh ở Hưng Yên cho biết dùng nhiều năm để phát triển các khu đô thị xanh. Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tập đoàn này cho rằng, khái niệm “đô thị xanh” ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ.

Tuy nhiên, ở các nước phát triển thì mô hình dân cư này đã tương đối phổ biến. Các đô thị xanh đều hội tụ các tiêu chí cơ bản như: Công trình xanh (sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối ưu tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường), không gian xanh (mật độ cây xanh cao, tỉ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm), chất lượng môi trường đô thị xanh (không khí sạch, giảm rác thải, khói bụi và tiếng ồn), giao thông xanh (tăng tỉ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2) và công nghiệp xanh (công nghiệp công nghệ cao và sạch, hạn chế ô nhiễm).

Ngoài ra, đô thị xanh còn phải bảo đảm gìn giữ, bảo tồn các cảnh quan văn hóa, lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng dân cư văn minh, sống thân thiện với môi trường.

Vị đại diện Tập đoàn chia sẻ thêm, hiện khu đô thị xanh đã có gần 24.000 cư dân. Trung bình mỗi cư dân tại khu đô thị sẽ sở hữu 120 cây xanh. Mỗi công trình được tính toán tỉ mỉ, phải tuân theo triết lý “nói không với rừng bê tông”.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, có 2 nhóm đối tượng phát sinh lượng khí nhà kính lớn nhất trong ngành xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng (phát thải trực tiếp và gián tiếp) và vận hành tòa nhà (chủ yếu là phát thải gián tiếp). Hiện phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng dự báo vẫn tiếp tục gia tăng. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn