MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin lên quận được nhiều người kỳ vọng làm "tan băng" thị trường nhưng giao dịch đất nền Đông Anh vẫn khá ảm đạm. Ảnh: Tuyết Lan

Đông Anh lên quận, giao dịch đất nền vẫn ảm đạm, môi giới chán nản

Tuyết Lan LDO | 14/07/2023 07:23

Huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa được HĐND thành phố thông qua đề án thành lập quận. Trái ngược với kỳ vọng của nhiều người, thị trường đất nền tại đây vẫn trầm lắng, chưa khởi sắc rõ rệt.

Thị trường trầm lắng trước thông tin Đông Anh lên quận

Thông thường thông tin lên quận của một huyện thuộc Hà Nội sẽ khiến thị trường bất động sản sôi động. Cuối năm 2019, quyết định của UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng thành quận đến năm 2025, cộng hưởng với các đại dự án bất động sản trên địa bàn đang khiến giá đất nền nhiều nơi tăng đột biến.

Thời điểm đó, "ăn theo” các thông tin huyện được chuyển lên quận, giới đầu tư và “cò” bất động sản trên các địa bàn nói trên hoạt động không ngơi, săn lùng các nhà phố, đất nền, thổ cư thậm chí cả đất ruộng khiến mọi thứ đang bình yên bỗng nhiên náo loạn.

Thế nhưng mới đây, thông tin huyện Đông Anh được HĐND thành phố thông qua đề án thành lập quận không tác động nhiều đến thị trường bất động sản.

Trao đổi với PV Lao Động, một số môi giới bất động sản tại Đông Anh cho biết, lượng khách tìm mua và giao dịch bất động sản chưa được cải thiện nhiều.

Một số người tận dụng diện tích trong các ô đất khu X1 xã Mai Lâm, Đông Anh để trồng rau. Ảnh: Tuyết Lan

Anh Hoàng Ngọc Thăng - nhân viên môi giới bất động sản tại Đông Anh - Hà Nội cho biết tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư hiện tại vẫn là cẩn trọng và chờ đợi.

"Từ đầu năm đến nay không có nhiều giao dịch thật. Nhà đầu tư vẫn chưa có động thái xuống tiền.

Gần đây, giao dịch một cửa của huyện Đông Anh đông đúc, nhộn nhịp. Tuy nhiên người dân chủ yếu đi điều chỉnh, tách sổ, hoàn thiện các thông tin của sổ đỏ... Tỉ lệ thực hiện hành chính công về giao dịch đất đai ở Đông Anh không nhiều.

Vừa qua, Đông Anh tổ chức đấu giá tại xã Xuân Nội nhưng giao dịch lác đác, không nhộn nhịp. Giá đất đấu giá được xây dựng từ thời điểm giá bất động sản Đông Anh đang ở đỉnh nên người dân không mặn mà.

Giá đất nền tại những khu vực đắc địa, trục đường chính như Nhật Tân, Võ Nguyên Giáp… vẫn đang giữ vững được phong độ" - anh Thắng nói.

Chia sẻ với PV Lao Động, chị Nguyễn Thị Hoa - người dân xã Mai Lâm (Đông Anh - Hà Nội) cho biết, dù có thông tin lên quận nhưng lượng người tìm mua đất thời điểm hiện tại rất ít, kém xa thời điểm năm 2021 - khi diễn ra tình trạng "sốt đất ảo".

"Năm 2021, tôi lấy ví dụ như khu đất X1, ngày nào môi giới cũng dẫn nhiều đoàn người về xem và mua bán. Nhưng đến nay, không còn cảnh đông đúc nhộn nhịp người và xe của môi giới và khách thập phương. Gần đây, Đông Anh có thông tin được thông qua đề án lên quận thì thi thoảng môi giới dẫn lác đác 1 - 2 người đến xem rồi đi luôn" - chị Hoa nói.

Người dân địa phương cho biết, không còn hình ảnh những đoàn người tìm đến mua đất như thời điểm năm 2021. Ảnh: Tuyết Lan

Giá đất "không thể ngay lập tức đu đỉnh"

Giới chuyên gia nhận định, huyện Đông Anh sắp lên quận nhưng giá bất động sản vẫn không thể ngay lập tức đu đỉnh như 2 năm trước.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định có ba nguyên nhân chính khiến đất nền Đông Anh chưa bật tăng mạnh trước thềm lên quận.

“Thứ nhất, bất động sản đang thăng trầm nên giá đất ở Đông Anh không tăng, chảy theo mạch của thị trường chung. Thứ hai, bối cảnh thị trường hiện nay vẫn còn khó khăn, lãi suất cao, thanh khoản chậm, cùng với tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư nên giá đất hiện tại đang có xu hướng giảm. Thứ ba, tăng trưởng tín dụng thấp khiến các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp khó tiếp cận bất động sản” - ông Nguyễn Thế Điệp nhận định.

Theo ông Điệp, huyện Đông Anh trong những năm gần đây là một trong những điểm nóng về sốt đất bởi những thông tin quy hoạch. Giá bất động sản Đông Anh hiện nay vẫn đang ở mức cao so với mặt bằng chung mặc dù thị trường bất động sản đang nằm trong vùng đáy. Chính vì vậy dẫn đến tâm lý e ngại, băn khoăn của nhà đầu tư.

"Những chính sách tháo gỡ vướng mắc mang tính tổng thể của Chính phủ sớm đi vào thực tế thì thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng lấy lại đà hồi phục. Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hoá nên nhu cầu ở và đầu tư cao. Tuy nhiên nhà đầu tư cần thận trọng, tính toán kĩ khi xuống tiền đầu tư, không nên chạy theo xu hướng" - ông Nguyễn Thế Điệp nói với PV Lao Động.

Khảo sát mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy, đất nền Đông Anh vẫn đang duy trì mức giá giảm so với 4 tháng trước. Cụ thể, đất nền Nguyên Khê đang có giá 38 - 43 triệu đồng/m2, giảm 10 - 15% so với mức 42 - 47 triệu đồng/m2 sau Tết.

Đất nền Cổ Loa nằm trong các xóm giá bán vẫn đang ở mức giảm là 18-20 triệu đồng/m2 so với mức 22 - 25 triệu đồng/m2 thời điểm sau Tết. Đất kinh doanh Võng La tiếp tục duy trì mức giá đã giảm là 35 - 40 triệu đồng/m2 so với mức giá 37 - 42 triệu đồng/m2 của tháng tháng 2.2023. Đất nền Hải Bối cũng giảm 10% so với 4 tháng trước, duy trì ở mức 50 - 55 triệu đồng/m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn