MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng sẽ thẩm định kỹ hơn pháp lý của các dự án cần tài trợ vốn. Ảnh minh họa: Bảo Chương

Dòng vốn từ ngân hàng vào dự án bất động sản sẽ chặt chẽ hơn

Bảo Chương LDO | 10/02/2024 10:14

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu đạt được thỏa thuận tín dụng lên tới hàng nghìn tỉ đồng với các ngân hàng. Tuy nhiên, dòng chảy tín dụng từ ngân hàng vào kênh bất động sản được dự báo có nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Sau thời gian dài doanh nghiệp bất động sản, khách hàng mua nhà gặp khó về nguồn vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thì gần đây nguồn vốn đã mở hơn, khi liên tiếp có những thương vụ tài trợ vốn từ ngân hàng cho chủ đầu tư các dự án.

Mới đây, Công ty TNHH Đầu Tư Phú Đông 5 (công ty thành viên của Phú Đông Group) cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội chi nhánh Sài Gòn (MB) tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh tài trợ dự án đầu tư xây dựng khu căn hộ Phú Đông SkyOne (tỉnh Bình Dương). Đây là dự án căn hộ “vừa túi tiền” phục vụ cho nhu cầu ở thực với giá bán dự kiến mỗi căn hộ từ 1,4 tỉ đến 2,2 tỉ đồng/căn. Dự kiến tháng 3 năm nay, chủ đầu tư sẽ chính thức tung dự án ra thị trường. Thời gian dự kiến bàn giao nhà vào tháng 12.2025.

Theo nội dung hợp tác, MB sẽ cấp hạn mức tín dụng 500 tỉ đồng tài trợ cho việc triển khai thực hiện dự án và hạn mức bảo lãnh 1.000 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ.

Trước đó, cuối tháng 11.2023, Công ty Bất động sản Phát Đạt được cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỉ đồng từ MBBank nhằm hỗ trợ chủ đầu tư và khách hàng mua sản phẩm tại 2 dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (tỉnh Bình Dương).

Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên đến hơn 10.800 tỉ đồng, dự kiến bắt đầu triển khai từ đầu năm nay. Bên cạnh Phát Đạt, MBBank còn cam kết gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho dự án NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Ngoài ra, chủ đầu tư này còn hợp tác với VPBank để tái khởi động dự án Aqua City Đồng Nai.

Dù chưa thể khẳng định thị trường bất động sản sẽ bật mạnh sau những “cú bắt tay” này, nhưng khi các dự án có đủ tài chính để triển khai xây dựng, nguồn cung ra thị trường chắc chắn sẽ tăng lên. Điều này giúp mở rộng cơ hội mua nhà cho người dân, còn doanh nghiệp thu về được dòng tiền. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc tiếp tục phát triển và vượt qua thách thức.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, việc các ngân hàng sẵn sàng đổ vốn vào các dự án bất động sản khiến tâm lý thị trường cải thiện hơn sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Quốc hội vừa thông qua ngày 18.1 sẽ có hiệu lực từ 1.7.2024.

Trong đó, một số quy định liên quan đến chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm được đánh giá có thể tác động đến dòng vốn từ ngân hàng đổ vào lĩnh vực bất động sản khi luật yêu cầu dự án phải đáp ứng được nhiều quy định chặt chẽ hơn như đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, hoàn thành giải phóng mặt bằng, có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai…

Điều này sẽ nâng cao trách nhiệm ngân hàng trong tài trợ vốn phát triển dự án bất động sản, đồng thời đặt ra điều kiện cho vay đối với dự án bất động sản trở nên chặt chẽ hơn. Và cũng sẽ là vấn đề khó cho phía doanh nghiệp bất động sản khi vướng mắc về pháp lý hiện nay đang là điểm nghẽn lớn nhất cho các doanh nghiệp bất động sản.

Dù các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua, nhưng phải 1 năm sau mới có hiệu lực, nên những vướng mắc pháp lý này khó có thể tháo gỡ trong năm nay, TS Nguyễn Duy Phương đưa ra phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn