MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Suốt 10 năm qua, Cty Hồng Phát tự bỏ vốn cả ngàn tỉ đồng để duy trì dự án. Ảnh: Đ.A

Dự án nghìn tỉ "đắp chiếu": 15,6 triệu đô có phải là vốn đầu tư vào dự án?

ĐÔNG ANH LDO | 26/06/2019 14:39

Báo Lao Động đã đăng loạt bài “Dự án nghìn tỉ đồng bị “đắp chiếu” ở tỉnh Long An”, nêu việc Cty cổ phần địa ốc Hồng Phát và Cty China Policy Limited (viết tắt CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) tranh chấp tại dự án khu dân cư và trường đua ngựa Hồng Phát (huyện Đức Hoà, Long An). Vụ tranh chấp kéo dài suốt 10 năm qua, khiến chủ đầu tư là Cty Hồng Phát thiệt hại không nhỏ.

Phải làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư

Năm 2003, Hồng Phát được tỉnh Long An chấp thuận cho đầu tư dự án khu dân cư Hồng Phát. Tháng 6.2007, Hồng Phát mời CPL làm đối tác thực hiện dự án. Theo thoả thuận khung, CPL ứng trước 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền vốn của CPL, khi Hồng Phát và CPL cùng thành lập công ty liên doanh).

Quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng 232 ha đất, do phát sinh chi phí, Hồng Phát đề nghị CPL bổ sung ứng thêm vốn, nhưng CPL đã từ chối ứng thêm vốn.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng để đáp ứng tiến độ và tránh bị thu hồi dự án, Hồng Phát đã tự lực huy động vốn gần 1.000 tỉ đồng để duy trì dự án suốt nhiều năm qua.

Kết quả, chính quyền đã cấp 13 Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ), trên diện tích 232 đất cho Cty Hồng Phát đứng tên. Nhưng, CPL đã gửi văn bản ngăn chặn, vô hiệu giao dịch 13 sổ đỏ trên của Hồng Phát. CPL cho rằng, do CPL góp 15,6 triệu USD lúc đầu, nên có quyền lợi trong 13 sổ đỏ trên...

San lấp mặt bằng tại dự án Hồng Phát. Ảnh: Đ.A

Vấn đề đặt ra, với 15,6 triệu USD góp vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là CPL, liệu có phải là vốn đầu tư vào dự án, để giờ đây, CPL đòi quyền lợi trên đất dự án của Hồng Phát?

Ông Tống Quốc Đạt – Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch - Đầu tư – cho biết: “Luật Đầu tư năm 2005 quy định rõ tư cách nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án tại Việt Nam. Nhà đầu tư phải có dự án và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư, để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.

Theo ông Đạt: “Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam cho đối tác và sử dụng cho các hoạt động đầu tư của dự án, nếu chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thì chưa có cơ sở để xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào dự án với tư cách là nhà đầu tư...”.

Một phần dự án bất động sản Hồng Phát ở Long An. Ảnh: Đ.A

Đại diện CPL nói gì ?

Trả lời PV Lao Động, về “tư cách pháp nhân” của CPL như thế nào khi góp 15,6 triệu USD vào dự án Hồng Phát,  ông Lương Văn Trung – đại diện phát ngôn cho CPL, cho rằng: “Luật Đầu tư VN chưa bao giờ có quy định một nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào 1 dự án đầu tư bằng hình thức liên doanh, phải lập công ty con tại VN, trước khi ký hợp đồng liên doanh và thành lập công ty liên doanh”.

Ông Trung nói: “CPL ký Thoả thuận khung với Hồng Phát. Đây là dạng thoả thuận ứng trước vốn đầu tư. Đặc biệt, CPL đã cung cấp tài chính cho Hồng Phát thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Long An để có được QSDĐ thực hiện dự án”.

Hình ảnh đầu tư, xây dựng các phân khu tại dự án Hồng Phát. Ảnh: Đ.A

Tuy nhiên, vì sao trước khi tham gia và chuyển vốn, CPL lại không làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư, như khoản 1, điều 50 – Luật Đầu tư 2005 quy định? Ông Trung đã không đề cập tới vấn đề này khi trả lời PV báo Lao Động.

Trong khi đó, đối chiếu với các quy định của Luật Đầu tư 2005 và quan điểm của Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Tống Quốc Đạt, khi chuyển vốn ứng trước 15,6 triệu USD vào dự án Hồng Phát, CPL vẫn chưa làm thủ tục  đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư... Và như vậy là chưa đúng với quy định của luật pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn