MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sửa đổi, bổ sung góp ý trong Dự thảo Luật Đất đai kỳ vọng sẽ phát triển thị trường bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên.

Dự thảo Luật Đất đai: Loạt sửa đổi giúp phát triển thị trường bất động sản

CAO NGUYÊN LDO | 10/03/2023 12:19

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội - cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều bổ sung, sửa đổi như về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dự thảo khẳng định nguyên tắc thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất... Việc sửa đổi này góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

Chia sẻ tại diễn Bất động sản (BĐS) Mùa Xuân thường niên lần III do Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam tổ chức, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến nói rằng những sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS.

Theo ông Tuyến, ngay từ quý IV/ 2022 cho đến nay, thị trường BĐS gặp những khó khăn và ở trong tình trạng trầm lắng. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhận thức được điểm nghẽn này, Chính phủ đã có giải pháp tháo gỡ những bất cập về pháp lý liên quan đến BĐS bằng việc cùng một thời điểm tiến hành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 - 3 đạo luật có tác động trực tiếp đến sự vận hành của thị trường.

Vị chuyên gia này đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều sửa đổi, bổ sung kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS.

Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự thảo khẳng định nguyên tắc thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Hay như quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ngoài ra, theo ông Tuyến, dự thảo cũng quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.

PGS TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.

Dự thảo bỏ quy định về khung giá đất; quy định cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất…

“Bên cạnh đó, Dự thảo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch…”, ông Tuyến nói.

Dự thảo cũng tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xác lập yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai; hoàn thiện các chế định về điều tiết của Nhà nước để bảo đảm thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững…

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế bởi đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường BĐS. “Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức sức cho các doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn