MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề nghị cung cấp thông tin về đất đai chính xác, kịp thời cho người dân. Ảnh: Cao Nguyên.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Có chế tài để tránh bưng bít thông tin

CAO NGUYÊN LDO | 09/03/2023 17:05

Góp ý trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số chuyên gia cho rằng, đối với thị trường bất động sản (BĐS), thông tin có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, tính công khai hiện chưa cao, mức độ tiếp cận của người dân đối với việc quy hoạch hay giá đất vẫn rất mập mờ. Chính vì vậy, chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thật chi tiết để người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác.

Thời gian qua, việc tiếp cận thông tin quy hoạch đất đai của người dân được phản ánh còn gặp nhiều khó khăn. Những bất cập này kỳ vọng được giải quyết khi sửa Luật Đất đai.

Tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2013 quy định, Nhà nước xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.

Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Mặc dù việc tiếp cận thông tin đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng trong những năm gần đây đã được cải thiện, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Đáng chú ý nhất là người dân chưa thực sự hiểu rõ cách thức để tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin đăng tải đôi khi còn mập mờ, chưa rõ ràng để mọi người có thể tiếp cận.

Đặc biệt, chế tài đối với các trường hợp bưng bít, gây khó dễ khi người dân muốn tìm hiểu thông tin về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.

Ông Phan Văn Lâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN - cho biết, việc làm cho nhân dân tiếp cận với quy hoạch sử dụng đất đai là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.

Để nhân dân được tiếp cận dễ dàng thì cần phổ biến tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai...

Đặc biệt cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm về công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quyền tiếp cận thông tin đất đai. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP Hà Nội), khoản 4 Điều 33 có quy định: “Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin” cần phải được mở rộng hơn.

Bởi nếu quy định theo hướng liệt kê “đóng” các thông tin mà công dân có quyền tiếp cận như dự thảo là chưa phù hợp với nguyên tắc của pháp luật về tiếp cận thông tin.

Cạnh đó, Điều 26 dự thảo đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai. Tuy nhiên, cần làm rõ quy định không được cung cấp là những thông tin nào, tránh trường hợp các cơ quan có thẩm quyền lợi dụng quy định này để từ chối cung cấp thông tin.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA). Ảnh: Anh Huy

PGS Doãn Thị Hồng Nhung - Phó ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam, dẫn khảo sát của Hiệp hội về giá đất trước và sau khi có dự án BĐS chênh từ 50 đến 700 lần.

Vị chuyên gia này kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chi tiết và quy định rõ việc công bố thông tin vì thời điểm công bố gắn liền với nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi thực hiện dự án phải thu hồi đất. Việc công khai thông tin cũng cần đặt dưới sự giám sát của người dân, báo chí và cơ quan thanh tra.

Trong khi đó, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS Nguyễn Đăng Dung - Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng một trong những nội dung trọng tâm của lần sửa Luật Đất đai này là cụ thể hóa quy định về công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Dung, đối với thị trường BĐS, thông tin có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, tính công khai hiện chưa cao, mức độ tiếp cận của người dân đối với việc quy hoạch hay giá đất vẫn rất mập mờ.

Vị này nói, người dân chưa nắm hết tầm quan trọng của giá đất hoặc thông tin quy hoạch trong lúc Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đất đai chưa quy định rõ ràng và thiếu chế tài xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn