MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo Luật Nhà ở vẫn có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ảnh minh họa: Thùy Trang

Dự thảo Luật Nhà ở vẫn can thiệp quyền sở hữu tài sản của người dân

THÙY TRANG LDO | 08/08/2023 20:12

Mặc dù Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã không tán thành đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư vì điều này can thiệp đến quyền sở hữu tài sản của người dân, tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đến nay vẫn có những điều tiếp tục nói về vấn đề này.

Tại hội thảo góp ý về Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức ngày 8.8 tại Đà Nẵng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga – Phó Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội có nêu ra vấn đề thời gian sở hữu nhà ở vẫn tồn tại trong dự thảo.

Cụ thể, dự thảo Luật Nhà ở đã ghi nhận việc công nhận quyền sở hữu nhà ở có thời hạn sở hữu trong “trường hợp mua bán nhà ở có thỏa thuận thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 164 dự thảo Luật Nhà ở”.

Trong khi đó, đối chiếu với quy định tại Điều 133 dự thảo Luật Đất đai về đăng ký biến động thì không ghi nhận trường hợp hết thời hạn sở hữu nhà trong hợp đồng mua bán nhà để thực hiện đăng ký biến động.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga góp ý dự thảo Luật Nhà ở. Ảnh: Thùy Trang

“Tôi cho rằng dự thảo đang cố gắng tìm mọi cách để tiếp tục ghi nhận về sở hữu nhà có thời hạn sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư vì đang can thiệp đến quyền sở hữu tài sản của người dân.

Với quy định trên, dường như vấn đề thời hạn sở hữu nhà đang được “đá bóng” sang cho chủ sở hữu nhà. Hay nói cách khác, thay vì Luật ghi nhận trực tiếp “nhà có thời hạn” thì với quy định trên, thời hạn sở hữu nhà sẽ được các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng mua bán” – bà Nga phân tích.

Thực tế hiện nay, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở chỉ được thực hiện dự án theo thời hạn nên khi ký hợp đồng mua bán nhà ở sẽ vô hình trung chỉ ký hợp đồng trong thời hạn thực hiện dự án.

Điều này sẽ có thể dẫn đến bên mua sẽ “bắt buộc” trở thành chủ sở hữu căn nhà có thời hạn. Nhưng, khi xác định chủ sở hữu nhà ở có thời hạn tức là Luật Nhà ở đang can thiệp đến quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản.

Không chỉ vậy, điều này mâu thuẫn với chính Hiến pháp về bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản, trong đó nêu rõ “không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”, “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo thời giá thị trường”.

“Nếu giữ quy định trên sẽ tác động rất lớn đến quyền thế lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tôi đề xuất bỏ quy định về thời hạn trong giao dịch mua bán nhà ở” – bà Nga góp ý.

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay, sở hữu tài sản nguyên tắc là thừa nhận đối với người dân là nhà ở lâu dài. Nhưng thực tiễn tại một số đô thị lớn, một số chung cư chủ đầu tư bán cho người mua có thời hạn và người mua sẵn sàng mua với thời gian theo thỏa thuận.

Cũng cần đặt vấn đề rằng, đây có thể là giao dịch theo Luật Dân sự theo cam kết thỏa thuận 2 bên. Nếu hết thời hạn thỏa thuận, căn hộ chung cư bên mua sẽ chuyển lại quyền sử dụng cho chủ đầu tư là bên bán. Luật giao đất cho doanh nghiệp là có thời hạn, nhưng khi doanh nghiệp làm dự án nhà ở thương mại, bán cho dân sử dụng căn hộ là sử dụng lâu dài nên đây là vấn đề cần đặt ra để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn