MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm sáng nhất lúc này là việc Bộ tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65 theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn. Ảnh: Trà My

Đừng chỉ trông chờ vào vốn tín dụng cho bất động sản

Trà My LDO | 04/02/2023 14:00
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với định hướng siết tín dụng ngân hàng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… nhưng với nhu cầu vay chính đáng của người dân vẫn được đảm bảo.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… thời gian qua đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng".

Do có sự liên thông chặt chẽ giữa các thị trường chứng khoán - ngân hàng - bất động sản nên khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm và thị trường bất động sản đóng băng thì các lĩnh vực khác cũng chịu tác động nặng nề.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Nếu đổ vỡ xảy ra, hệ lụy sẽ rất phức tạp, vì mối liên thông ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn. Hiện nay, các ngân hàng không chỉ đầu tư vào trái phiếu rất lớn (khoảng 284.000 tỉ đồng), mà còn cho vay bất động sản hơn 2,3 triệu tỉ đồng, chưa kể bất động sản chiếm tới 65% tài sản đảm bảo của ngân hàng. Điều này có nghĩa, khi thị trường bất động sản và trái phiếu đổ vỡ, ngân hàng cũng không tránh khỏi hệ lụy."

Đói vốn, khát thanh khoản, hàng trăm nghìn tỉ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn trong năm 2023 đang là áp lực rất lớn. Ngày 2.2, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.

Bàn về nguyên nhân doanh nghiệp bất động sản kêu "đói vốn", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khẳng định tất cả dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, các dự án liên quan đến nhà ở tiêu dùng phục vụ người dân. Những dự án người dân không tiếp cận được vốn tín dụng chủ yếu là do tính pháp lý của dự án hoặc năng lực chủ đầu tư không đảm bảo.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông… trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Mặt khác, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Điểm sáng nhất lúc này là việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn.

Dự thảo nếu được ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành có thêm 2 năm để xoay xở nguồn tiền đảo nợ, bán tài sản, tái cơ cấu nợ. Mặc dù chưa thể giải quyết ngay các khó khăn trên thị trường, song các quy định trên sẽ giúp nhà đầu tư bớt lo lắng, tháo chạy khỏi trái phiếu, cải thiện thanh khoản thị trường.

Hoàn thiện khung pháp lý với trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề cấp bách để giải quyết tận gốc vấn đề. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá: "Về lâu dài, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát lại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay."

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn