MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Được tháo gỡ pháp lý, condotel vẫn rao bán cắt lỗ rầm rộ

ANH HUY LDO | 24/04/2023 07:19

Nghị định 10/2023/NĐ-CP được kỳ vọng tháo gỡ được nút thắt pháp lý cho doanh nghiệp và người mua căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel). Tuy nhiên, nhiều phân tích chỉ ra việc cấp sổ vẫn còn vướng mắc nên dù sản phẩm này được rao bán cắt lỗ rầm rộ nhưng ít người quan tâm.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), đến cuối năm 2022, chỉ riêng condotel, cả nước có khoảng 83.000 căn chờ sổ hồng, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50 - 70 năm.

Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết, một thập kỷ qua, các loại hình bất động sản mới gồm officetel, shophouse và condotel đều đang vướng pháp lý ở khâu cấp giấy chứng nhận.

Sau rất nhiều mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (Nghị định 10) đã được ban hành.

Đây được coi là giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trước mắt trong thi hành pháp luật đất đai, trước khi tiến tới giải pháp tổng thể là ban hành Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến tháng 11.2023.

Dù vậy, sau khi Nghị định 10 được ban hành thì các căn hộ condotel tại nhiều khu vực vẫn đang bị rao bán cắt lỗ nhưng vẫn khó tìm người mua.

Đơn cử, chị Phương Anh - nhà đầu tư tại Hà Nội - cho biết, cách đây 4 năm, gia đình chị bỏ ra 1,9 tỉ đồng mua một căn hộ condotel tại Đà Nẵng với diện tích 40m2, tương đương 47,5 triệu đồng/m2.

Chủ đầu tư cam kết sẽ trả 80% mức lợi nhuận từ việc cho thuê thực tế và gia đình sẽ được hưởng 15 đêm nghỉ dưỡng miễn phí tại dự án. Chị Phương Anh kỳ vọng sẽ thu về khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng.

“Khi đó, du lịch Đà Nẵng rất sôi động nên trong mấy tháng đầu tiên, tôi nhận được trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh tới bất ngờ khiến du lịch bị ảnh hưởng nên trong suốt thời gian đó, gần như tôi không nhận được tiền cam kết thuê lại.

Từ khi dịch bệnh được kiểm soát tới nay, mỗi tháng, tôi cũng chỉ còn nhận được 5 - 6 triệu đồng. Thấy tình hình không khả quan nên tôi quyết định rao bán với mức giá 1,5 tỉ đồng, lỗ 400 triệu đồng. Mặc  dù vậy, căn hộ condotel của tôi vẫn chưa bán được” – chị Phương Anh nói.

Còn nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong cấp sổ đỏ condotel. Ảnh minh họa: Cao Nguyên.

Lý giải nguyên nhân gần đây việc rao bán cắt lỗ condotel vẫn diễn ra rầm rộ dù các dự án đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - cho biết, do thời gian qua pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng bị trục trặc và còn nhiều vướng mắc.

Do đó, khi nhà đầu tư phân khúc này họ cảm thấy không yên tâm và không còn mặn mà.

Chủ tịch VARS cho rằng, để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm hồi phục, sau khi có Nghị định 10, Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương khẩn trương cùng với chủ đầu tư triển khai quy định mới vào thực tế.

Trong quá trình thực tế cấp sổ đỏ cho các sản phẩm này cần linh hoạt, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính để sớm có đủ tính pháp lý, giúp đưa vào thị trường lưu thông, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, giúp giảm nợ xấu.

Ông Trần Xuân Lượng – Tiến sĩ ngành Bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân) - chia sẻ, việc cấp giấy chứng nhận chỉ giải quyết tình huống tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Sau khi cấp giấy chứng nhận, vẫn chưa có định hướng quản lý cũng như vận hành căn hộ. Cùng với đó là các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo hành, bảo trì đối với loại hình bất động sản cũng chưa có quy định rõ ràng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn