MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh tổng quan dự án Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: Cocobay

Được ví von "vỡ trận" nhưng condotel chỉ giảm giá 8%/năm

T.CHÍ- C.NGUYÊN- LDO | 12/12/2019 18:43

Năm 2018, giá trung bình condotel cả nước tiệm cận mốc 40 triệu đồng mỗi m2 thì đến 2019 chỉ ở mức 35 triệu đồng/m2.

Kênh thông tin Batdongsan.com.vn vừa công bố Báo cáo thị trường bất động sản 2019. Trong nội dung báo cáo có những thông tin về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng là condotel.

Theo báo cáo này, giữa hai loại hình bất động sản nghỉ dưỡng là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng, condotel vẫn là loại hình được quan tâm nhiều hơn (chiếm 56%). Tuy nhiên, năm 2019, giá condotel giảm 8% so với 2018. Nếu 2018, giá trung bình condotel cả nước tiệm cận mốc 40 triệu đồng mỗi m2 thì đến 2019 chỉ ở mức 35 triệu đồng/m2.

Nếu phân loại theo vùng miền, người quan tâm đến condotel chủ yếu đến từ Hà Nội, TPHCM, đạt tỷ lệ lần lượt là 38,2% và 21%.

Theo dự báo của Batdongsan.com.vn, trong năm 2020, bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng sẽ khó khăn khi nhà đầu tư đang dần mất niềm tin vào loại sản phẩm này sau sự việc ở dự án Cocobay Đà Nẵng vừa qua.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ 2.12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng trước khi thoái trào vào năm 2018, 2019, condotel đã xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2015, bùng nổ vào năm 2016, 2017.

Ông Hùng nhận định sự tồn tại và phát triển của condotel còn những vướng mắc nhất định như hành lang pháp lý đối với condotel hiện chưa rõ ràng; chưa có quy định rõ ràng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng lâu dài hay có thời hạn cho condotel; chưa có quy định về vận hành, quản lý đối với loại hình này.

Để giải quyết những vướng mắc, giảm thiểu rủi ro cho loại hình bất động sản này, Thứ trưởng cho biết Bộ Xây dựng sẽ đề xuất thực hiện các giải pháp như minh bạch thông tin (tình hình triển khai, phát triển condotel, nguy cơ đổ vỡ...), cảnh báo, kiểm soát chặt nguồn tín dụng cho condotel, ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư đầu tư trong đó có lưu ý về quyền hạn, cam kết lợi nhuận.

Vào cuối tháng 11, chủ đầu tư dự án Cocobay vừa thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết do gặp khó khăn về tài chính. Đây được xem như "phát pháo" báo hiệu về vỡ trận chi trả lợi nhuận với loại hình condotel.

Theo chủ đầu tư Cocobay, từ đầu năm 2020, do "gặp những khó khăn về dòng tiền", Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng sẽ không chi trả thu nhập cam kết theo hợp đồng mua bán. Khi mở bán dự án, cam kết lợi nhuận được chủ đầu tư đưa ra là 12% mỗi năm - khi ấy được nhận định là rất cao.

Cocobay Đà Nẵng không phải là dự án condotel đầu tiên mà chủ đầu tư không thực hiện được việc cam kết lợi nhuận. Trước đó, một dự án condotel khác tại Nha Trang là dự án Bavico do Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Bạch Việt từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15% một năm xuống còn 8%. Tuy nhiên, sau đó, việc chi trả của chủ đầu tư này cũng không được thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn