MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố Mã Mây (Hà Nội) đang treo biển cho thuê gấp. Ảnh: Thu Giang

Gánh nặng kinh doanh khi chi phí thuê mặt bằng ở Hà Nội đắt đỏ

Thu Giang LDO | 20/09/2023 07:29

Do giá thuê mặt bằng tăng cao nên nhiều hộ kinh doanh tại TP Hà Nội gần đây đã phải liên tục trả lại mặt bằng, treo biển thông báo chuyển địa điểm kinh doanh đi nơi khác.

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 19.9, nhiều mặt bằng nằm ở các tuyến phố trung tâm, sầm uất của TP Hà Nội như Hàng Đào, Mã Mây, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm)... dù treo biển đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người thuê.

Chị Nguyễn Thị Thu (chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) - cho biết, cửa hàng có diện tích 50m2, 3 tầng chị đang thuê với mức giá 45 triệu đồng/tháng.

"Dù lượng khách du lịch, nhu cầu mua sắm của người dân đã dần phục hồi nhưng do giá thuê nhà tại đây đang quá cao, vượt quá sức chịu đựng. Những người đi thuê mặt bằng kinh doanh tôi chỉ mong tháng này hòa vốn, không phải bù lỗ để chuyển mặt bằng đi nơi khác" - chị Thu nói.

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên tuyến phố cổ Hà Nội như Hàng Đào, Mã Mây, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm)... đóng cửa vì không có người thuê. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, anh Kiên (kinh doanh quán ăn trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) - chia sẻ, dù đã cắt giảm tối đa chi phí vận hành, nhân viên thế nhưng theo anh Kiên, giá thuê mặt bằng hàng tháng tại đây vẫn giữ nguyên là 20 triệu đồng/tháng, gần như đã "ngốn" hết lợi nhuận, lời lãi kinh doanh của cửa hàng.

Anh Kiên cho biết thêm, có không ít cửa hàng kinh doanh thời trang, ăn uống, dịch vụ... trên tuyến phố từ đầu năm 2023 đến nay đã phải bù lỗ vì thu không đủ chi, giá thuê mặt bằng cao quá chịu đựng.

Một mặt bằng nằm ở đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) đang treo biển chào mời, tìm đối tác thuê mặt bằng. Ảnh: Thu Giang

Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng trước đó cho thấy, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố trong quý II/2023 có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Nguyên nhân được cho là do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.

Cũng theo Bộ Xây dựng, mặt bằng thương mại trong quý II/2023 trên địa bàn cả nước không có dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn nào khai trương và đi vào hoạt động.

Trong đó, nguồn cung mới về mặt bằng thương mại vẫn tiếp tục hạn chế, nguồn cung chủ yếu được bổ sung thêm từ một số sàn thương mại của các tòa nhà hỗn hợp, tuy nhiên số lượng cũng không nhiều.

Mặt bằng kinh doanh trong ngõ Hà Nội có xu hướng sôi động vì có mức giá thuê phù hợp. Ảnh: Thu Giang

Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - nhận định, sau dịch COVID-19, có nhiều cửa hàng đã trả mặt bằng và tạm dừng kinh doanh.

Tuy nhiên theo ông Đính, hiện nay, thị trường ghi nhận thực trạng một lượng lớn mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn vẫn bỏ trống do giá chào thuê quá cao. Trong khi nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà mặt phố, nhất là mặt bằng bán lẻ đắc địa trên tuyến phố lớn, khối đế chung cư, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn đang tăng cao.

Về tình trạng một số mặt bằng có vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội vẫn bỏ trống, không có khách thuê, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện tượng này không phải số nhiều vì đây là khu vực "đất vàng", có giá thuê rất đắt đỏ, hoặc chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao khi nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng gặp khó khăn về nguồn vốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn