MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động mua bán dự án bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới. Ảnh: Bảo Chương

Gặp khó khăn về vốn, nhiều dự án bất động sản sẽ được đem bán

Bảo Chương LDO | 09/06/2024 11:03

Sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn yếu, chưa tiếp cận được nguồn vốn, chi phí phát triển dự án sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, hoạt động bán dự án được dự báo sẽ sôi động trong phần còn lại của năm 2024.

Báo cáo của Công ty phân tích về dữ liệu tài chính WiGroup công bố mới đây chỉ ra, lợi nhuận toàn ngành bất động sản giảm 82% trong quý I/2024, chủ yếu đến từ nhóm bất động sản dân cư.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của 110 doanh nghiệp bất động sản sụt giảm hơn 13.000 tỉ đồng, giảm 68% so với quý trước và giảm 82% so với cùng kỳ.

Bất động sản dân cư được nhận định là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế toàn ngành với mức giảm gần 12.000 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo của WiGroup, áp lực nợ vay tài chính ngắn hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng. Nguồn vốn vay có xu hướng chuyển dịch từ vay trái phiếu sang vay ngân hàng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến ngày 28.2, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỉ đồng, tăng 20.712 tỉ đồng so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản ở mức thấp. Áp lực đáo hạn trái phiếu cũng vẫn còn lớn, ước tính sẽ có khoảng 115.663 tỉ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn, chiếm 41,4% tổng số trái phiếu đáo hạn trong năm nay.

Vấn đề tồn kho cao cũng là bài toán làm đau đầu lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản khác. Bởi trong năm 2023, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó về thanh khoản dẫn đến tồn kho tăng cao, đồng thời không có nguồn thu để thanh toán các chi phí phát sinh, các khoản nợ đến hạn cũng như đầu tư dự án mới.

Điều này cho thấy áp lực sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn yếu, chưa tiếp cận được nguồn vốn, chi phí phát triển dự án sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, nhiều chuyên gia dự báo việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ sôi động trong phần còn lại của năm 2024.

Trong báo cáo ngành mới nhất về bất động sản dân cư, bộ phận MBS Research của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, huy động vốn trên sàn sẽ là một trong những hoạt động nổi bật trong thời gian sắp tới của các công ty bất động sản trong phần còn lại của năm 2024, nhằm tái cấu trúc nợ vay, đáp ứng các nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước và chi phí phát triển dự án tăng cao.

Đối với hoạt động M&A, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital cho rằng, dự kiến, một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026, cùng với đó, nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán tích cực. Khẩu vị đầu tư là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng 20 - 50 triệu USD. Đặc biệt, lúc này chính là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền và họ chờ đợi để có thể bắt đầu thu gom, mua hoặc đầu tư vào các dự án đang cần nguồn vốn.

Hơn nữa, các Luật mới sẽ sớm triển khai, với những quy định cụ thể về xác định tiền sử dụng đất, nguồn gốc đất để triển khai các dự án thương mại và quy hoạch các dự án mới. Từ đó, có thể rút ngắn thời gian, thủ tục pháp lý triển khai dự án và cải thiện nguồn cung cho thị trường, TS Phương nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn