MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá chung cư neo cao một phần do chi phí đầu tư, xây dựng, nhân công tăng. Ảnh: Cao Nguyên

Gạt bỏ chi phí bôi trơn, giá bất động sản sẽ giảm

Cao Nguyên LDO | 28/12/2023 07:16

Trong bối cảnh thị trường khó khăn nhưng giá bất động sản vẫn liên tục neo ở mức cao khiến người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận được. Để giảm giá nhà, cần có sự phối hợp từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp. Đặc biệt, nên nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình đầu tư, xây dựng và tránh phát sinh các chi phí bôi trơn...

Giá nhà tăng, lệch pha sản phẩm

Không đủ tiền để mua nhà là tình trạng chung của nhiều người dân hiện nay trong đó có gia đình chị Nguyễn Thu Hà (28 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Chị Hà và chồng đang làm cùng công ty, mức thu nhập của cả 2 vợ chồng 1 tháng khoảng 19 triệu đồng.

Chị Hà cho biết, dù muốn mua nhà nhưng số tiền tích góp mấy năm đi làm của hai vợ chồng đang quá ít. Trong khi đó khoản chi cho 4 người mỗi tháng như ăn uống, tiền học của con cũng đã ngốn mất 12 - 14 triệu đồng. "Nếu mua nhà phải vay thêm ngân hàng, mỗi tháng lại phải trả thêm tiền lãi thì đây là một gánh nặng" - chị Hà chia sẻ.

Có thể thấy, thị trường bất động sản thời gian qua đang bị mất cân đối, lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỉ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp. Loại nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân gần như rất ít.
Đồng thời, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn neo cao vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người nhập cư. Bởi lẽ căn hộ bình dân có giá 2 - 3 tỉ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 527/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Đáng chú ý, trong thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Hiến kế hạ giá thành sản phẩm

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), để có thể cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm bất động sản, cần có sự chung tay, góp sức, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp từ cơ quan quản lý Nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư xây dựng. Xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án. Tránh phát sinh các chi phí bôi trơn, vô hình chung cũng bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, giảm giá bán bất động sản là một bài toán thách thức cho cả chủ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân. Nguyên nhân là đối với chủ đầu tư hiện nay, chi phí đầu tư ban đầu của các chủ đầu tư hiện rất cao, bao gồm chi phí đất, chi phí vốn, chi phí tài chính trong quá trình phát triển dự án. Câu chuyện về tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài khiến các chi phí đầu tư tăng lên, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm, làm tăng giá bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group cho hay, sở dĩ bất động sản chưa có sự giảm giá rõ rệt là do thuế, nhân công, vật liệu xây dựng, lãi vay, giải phóng mặt bằng, là 5 yếu tố cấu thành vào giá bán. Trong khi đó, không một yếu tố nào trong 5 yếu tố trên có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, đối với doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư. Giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân để đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn