MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nhà đầu tư rao bán cắt lỗ đất gần đường vành đai 4. Ảnh: Chụp màn hình.

Giá đất đìu hiu quanh khu vực Vành đai 4 Hà Nội

ANH HUY LDO | 28/06/2023 08:28

Những năm trước đây, tình trạng sốt đất “ăn” theo quy hoạch hạ tầng thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, hiện tại, tình trạng này đã không còn, thậm chí những khu vực như Vành đai 4 (Hà Nội) vừa mới được khởi công nhưng giá đất vẫn đìu hiu…

Những năm trước đây khi Nhà nước rót vốn vào các công trình hạ tầng hoặc các nhà đầu tư khác phát triển dự án đô thị, giá đất thường tăng lên đến 45-50%. Với cú hích hạ tầng, giá đất xung quanh công trình cầu đường hoặc quanh dự án đô thị sẽ biến động rất mạnh.

Tìm hiểu của PV Lao Động cho thấy, thực tế 2 yếu tố quy hoạch và hạ tầng đẩy giá đất tăng gấp nhiều lần. Hơn một thập niên qua, các công trình cầu đường, đại lộ, metro, cao tốc, vành đai ở Hà Nội ồ ạt mọc lên đã khiến cho giá đất khu vực lân cận trải qua nhiều đợt biến động.

Chia sẻ với PV, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cũng nhìn nhận biến động giá đất hiện nay chịu tác động bởi nhiều lý do: bùng nổ hạ tầng, công bố quy hoạch, hình thành các dự án mới, chỉnh trang đô thị, đầu cơ tích trữ đất đai.

Như hồi đầu năm 2022, tình trạng sốt đất diễn ra khắp nơi, đặc biệt là những khu vực có thông tin quy hoạch hay đang triển khai đầu tư hạ tầng. Không ít người giàu lên nhanh chóng chỉ sau một vài ngày nhờ gom đất những khu vực quanh đó.

Tuy nhiên, tình trạng này không diễn ra lâu và không phải ai cũng gặp may khi kịp thời thoát hàng. Bởi từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản nhanh chóng đổi chiều sang trạng thái trầm lắng, suy giảm; thanh khoản thị trường liên tục về đáy khiến các giao dịch gần như nằm im.

Không ít nhà đầu tư rơi vào cảnh khó khăn do gãy đòn bẩy tài chính từ nửa cuối năm ngoái đến nay. Có trường hợp phải cắt hết lãi, chuyển qua bán lỗ vẫn không ai mua.

Một điển hình cụ thể về câu chuyện sốt đất không còn “ăn” theo hạ tầng nữa là cách đây mấy ngày, dự án đường Vành đai 4 được khởi công nhưng qua tìm hiểu cho thấy giá đất ở khu vực này vẫn rơi vào trạng thái đìu hiu.

Tìm hiểu của PV Lao Động trong các ngày 26-27.6 cho thấy, tại quận Hà Đông, tuyến đường Vành đai 4 với chiều dài khoảng 2 km đi từ khu đô thị Đô Nghĩa đến Quốc lộ 6 đang ghi nhận mức giá giảm từ 10 đến 20%. Một căn liền kề 75m2 tại khu đô thị này đang được chủ nhà rao bán 7 tỉ đồng (giảm 1 tỉ đồng so với tháng 10.2022).

 Tại xã Cự Khê huyện Thanh Oai, giá đất đang giảm. Ảnh: Cao Nguyên

Khu vực Yên Nghĩa (Hà Đông), những vị trí hưởng lợi từ đường Vành đai 4 cũng chứng kiến mức giảm đáng kể khi giá đất từ mức dao động 72 triệu đồng/m2 xuống khoảng 65 triệu đồng/m2.

Tại huyện Đan Phượng, đất mặt đường Tây Thăng Long thuộc xã Tân Hội từng được rao bán 70 - 90 triệu đồng/m2 từ hơn một năm trước, nay mỗi m2 giảm khoảng 10 -15 triệu đồng tùy vị trí.

Còn tại huyện Mê Linh, một số lô đất ven Quốc lộ 23 tại xã Đại Thịnh được chào 35 - 45 triệu đồng mỗi m2 trong khi giá trung bình cuối năm 2021 tại khu vực này là 50 triệu đồng.

Trên các trang rao bán bất động sản, tình trạng các nhà đầu tư rao bán cắt lỗ đất nền khu vực Vành đai 4 ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo các môi giới, gần như không có giao dịch xảy ra.

Anh Mạnh Đồng - một môi giới nhà đất ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) - chia sẻ, giá đất nền tại các khu vực có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua đã tăng nóng trong thời điểm dự án bắt đầu rục rịch triển khai. Đến nay, dù dự án đã khởi công nhưng thị trường trầm lắng, buộc nhiều nhà đầu tư phải rao bán cắt lỗ để thu tiền về.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng, đầu tư “ăn” theo quy hoạch hạ tầng là cách đầu tư được ưa chuộng bởi lợi ích mà nó mang lại rất lớn. Tuy nhiên, không phải quy hoạch nào cũng đáng để “ăn” theo và không phải nhà đầu tư nào cũng đủ sức “ăn” theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn