MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá khởi điểm đất đấu giá vùng ven Hà Nội cao chót vót, liệu có thành công

ANH HUY LDO | 02/05/2023 08:37

Trong tháng 5 này, hàng chục lô đất tại các huyện Ba Vì, Thanh Trì và Đông Anh (Hà Nội) sắp được đưa ra đấu giá. Đáng chú ý, một lô đất tại huyện Ba Vì có giá khởi điểm lên tới gần 9 tỉ đồng.

Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia vừa ra thông báo đấu giá đất của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Ba Vì, đối với quyền sử dụng đối với 18 thửa đất tại khu đồng Đành, thôn Thanh Lũng, xã Tiên Phong và 22 thửa đất thuộc lô đất ký hiệu TT3, khu tái định cư tại thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh.

Theo đó, diện tích các thửa đất từ 114 - 252 m2/thửa, mức khởi điểm đấu giá đất của 40 thửa từ 10,1 - 35,1 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, lô đất có giá khởi điểm cao nhất là gần 9 tỉ đồng với diện tích 252m2 và lô thấp nhất là 1,7 tỉ đồng. Các thửa đất có mục đích sử dụng làm đất ở nông thôn với thời hạn sử dụng lâu dài.

Hình thức, phương thức đấu giá đất bằng bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên. Thời gian tổ chức buổi đấu giá đất vào ngày 8.5 tại hội trường UBND huyện Ba Vì.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt mới đây cũng có thông báo mời đấu giá tài sản 9 thửa đất xen kẹt nhỏ lẻ tại xã Ngọc Hồi, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Các thửa đất có diện tích từ 55 - 78,9 m2/thửa với giá khởi điểm từ 35 - 71,6 triệu đồng/m2. Buổi đấu giá được tổ chức ngày 12.5.

Những năm gần đây, đấu giá quyền sử dụng đất có vai trò quan trọng và luôn chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong nguồn thu ngân sách ở mỗi địa phương (chiếm bình quân từ 15 – 17% tổng thu ngân sách hằng năm).

Tuy nhiên, sự “hãm phanh” đột ngột của thị trường bất động sản trong 2 năm trở lại đây đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động này. Những phiên đấu giá không thành công do thiếu hồ sơ đăng ký, hay do giá cao…

Theo ghi nhận của Lao Động, giữa lúc thị trường trầm lắng, hàng loạt lô đất đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mê Linh... lại rơi vào tình trạng phải đấu giá nhiều lần mà chưa thành công.

Lấy giá khởi điểm lúc thị trường sôi động, đất đấu giá khó hút người dân. Ảnh: Cao Nguyên.

Điển hình tại Đông Anh, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia vừa có thông báo dừng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 44 thửa đất tại Khu đất X6 thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà (đợt 1 và đợt 2) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6.5 tới. Các thửa đất được đấu giá có diện tích từ 90 - 154 m2/thửa, giá khởi điểm từ 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2.

Còn ở huyện Sóc Sơn, 27 thửa đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược có diện tích 82,1 - 200 m2/thửa được đem ra đấu giá ngày 24.12.2022 với mức giá khởi điểm từ 45 - 50 triệu đồng/m2. Sau đó, 26/27 thửa đất tiếp tục được đấu giá vào ngày 11.3, đến ngày 15.4 vẫn còn 22/27 thửa đất được đem đấu giá lại.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - phân tích, đây thực sự là một cú sốc đối với thị trường bất động sản, bởi đất đấu giá vốn được xem là sản phẩm có tính an toàn nhất về pháp lý, không ít lần thị trường đi xuống, nhà đầu tư đã dựa vào nhóm sản phẩm này để “hâm nóng” thị trường.

Đấu giá quyền sử dụng đất chưa bao giờ bị “mất giá” như bây giờ, vì chuyện thổi giá thông qua đấu giá của những người đầu cơ nhằm lướt sóng kiếm lời không còn mới. Ở giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện nay việc lướt sóng bán chênh khó nên nhà đầu tư cũng không tham gia nữa.

“Mức giá khởi điểm của các lô đất đấu giá đưa ra cũng cần phải được tính toán cho phù hợp, nếu cao so với thị trường chung thì các cuộc đấu giá đất khó thành công” – ông Điệp nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn