MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án xây sân golf của FLC trên đồi cỏ hồng tại Gia Lai. Ảnh: PV

Gia Lai giao gần 3.000ha đất cho tập đoàn FLC: Cần cơ chế ràng buộc, tránh tình trạng chiếm hữu đất

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 22/10/2018 08:30
Tập đoàn FLC đang đẩy mạnh đầu tư tại nhiều tỉnh thành và Gia Lai không ngoại lệ. Là tỉnh nghèo, khó khăn trong trong gọi mời đầu tư, nên tháng 10.2018, việc FLC chính thức vào Gia Lai và dự tính triển khai 6 dự án như một làn gió mát đối với địa phương này.

Gia Lai kỳ vọng FLC sẽ tạo cú hích đưa kinh tế địa phương phát triển. Tuy vậy, cần phải có cơ chế ràng buộc, để DN có trách nhiệm với địa phương, tránh tình trạng chiếm hữu đất, tư lợi.

“Địa phương có lợi”

Gọi mời được Tập đoàn FLC, Gia Lai tổ chức ngay một hội nghị để nghe FLC thuyết minh, báo cáo về ý tưởng các dự án sẽ đầu tư. Lãnh đạo chủ chốt của Gia Lai đều kỳ vọng những dự án sẽ được FLC sớm triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch FLC Lê Thành Vinh cho biết, tập đoàn sẽ đầu tư 6 dự án lớn. Trong đó, 5 dự án về bất động sản (BĐS) và 1 dự án về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Trên lĩnh vực BĐS, điểm nhấn là dự án tổ hợp Tháp đôi (trung tâm thương mại văn phòng, chung cư) với quy mô 1,6ha, dự kiến tọa lạc trên khu đất vốn là trụ sở làm việc của 3 Sở GTVT, Sở NNPTNT và Sở GDĐT.

“Tháp đôi 30 tầng sẽ là kiến trúc cho đô thị Pleiku. Trên tòa tháp có thiết kế đài quan sát để ngắm toàn bộ thành phố và khu vực Biển Hồ - Chư Đăng Ya” - ông Vinh nói..

Cùng với Tháp đôi, là 4 dự án khác gồm tổ hợp khách sạn 5 sao, siêu thị, nhà phố thương mại quy mô 4,6ha (phường Ia Kring, TP. Pleiku); khu đô thị thông minh ở xã Trà Đa (TP. Pleiku) quy mô 230ha, xu hướng đầu tư công viên cây xanh, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà biệt thự, cơ quan hành chính, trường học; dự án khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh (phường Trà Bá. TP. Pleiku) với diện tích 8ha, với ý tưởng biến nơi này thành khu đô thị thu nhỏ và khu phức hợp Đắk Đoa quy mô trên 501ha tại xã Glar và xã Tân Bình (huyện Đắk Đoa) với dãy biệt thự nhà ở, khu sân golf, khu công viên và khu thể dục thể thao tỉnh Gia Lai.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, FLC dự kiến đầu tư vào dự án ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) với quy mô 1.964ha.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Tập đoàn FLC quan tâm triển khai các dự án là bước ngoặt cho sự phát triển của Gia Lai. Các sở ngành, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất để tập đoàn sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai dự án”. Các dự án mà FLC dự tính triển khai sẽ “ngốn” hơn 2.700ha đất tại Gia Lai.

Không vì lợi ích mà bỏ qua... môi trường

Ông Ksor Phước - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cũng bày tỏ quan điểm: “Nếu không giữ chân được FLC thì đừng hy vọng kêu gọi DN nào khác đầu tư vào đây”. Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Gia Lai Hồ Văn Niên trong một cuộc họp cùng các sở, ngành ngày 15.10 cũng nhắc nhở Gia Lai là tỉnh nghèo nên cần phải thu hút đầu tư.

Ông nói: “Phải tạo điều kiện cho DN, có cơ chế cắt giảm, rút ngắn thủ tục nhưng phải làm đúng theo quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ, giúp đỡ. Tuy vậy, cần có biện pháp quản lý, tránh việc nhiều DN hoạt động cầm chừng”.

Đại diện Sở TNMT Gia Lai cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường (tại điều 25) thì đánh giá tác động môi trường là căn cứ phê duyệt quyết định đầu tư. “Tuy vậy, Luật Đầu tư thì không cần có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, dẫn đến các điều luật mâu thuẫn, gây nhiều khó khăn” - đại diện Sở TNMT cân nhắc.

Lãnh đạo BQL Khu kinh tế tỉnh Gia Lai cũng nhấn mạnh: “Không phải thu hút đầu tư là bỏ qua vấn đề môi trường”. Sự thận trọng của các cơ quan tham mưu là không thừa, bởi dư luận thường băn khoăn các dự án được cho là “lớn”, “mang tính đột phá” luôn có vấn đề về thủ tục thần tốc, bỏ sót các khâu thẩm định (?!).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn