MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Gia Lâm chuẩn bị lên quận. Ảnh: Lan Nhi

Gia Lâm lên quận, cẩn thận trước chiêu trò đẩy giá đất

Quý An LDO | 16/08/2023 07:12

Thời gian gần đây, Hà Nội đã thể hiện những quyết tâm, nỗ lực đưa Đông Anh, Gia Lâm từ huyện lên quận trong năm 2023-2024.

Huyện lên quận, xác định rõ hướng đi

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, huyện Gia Lâm là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt. Gia Lâm còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử phong phú, làng nghề đặc sắc; có các học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... Những yếu tố này là lợi thế, mang những tiềm năng phát triển lớn. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí, quy định để phát triển thành quận.

“Quan trọng là xác định rõ cho Gia Lâm một hướng đi. Điều mà lãnh đạo thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Trở thành quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh” - ông Dũng nói.

Khu vực nội đô Hà Nội vốn đã quá tải về hạ tầng và dân số, việc Gia Lâm sẽ trở thành quận tiếp theo của Thủ đô đang nhận được sự chú ý lớn. Huyện ngoại thành này được dự báo sẽ là một nơi đón làn sóng dịch chuyển cư dân.

Hiện tại ở Hà Nội, các loại hình bất động sản khá đa dạng như đất nền, chung cư, biệt thự, nhà liền kề… Với nhu cầu rất cao của người dân về nhà ở trong bối cảnh bất động sản hiện nay - giới bất động sản cho rằng, liệu đây có phải yếu tố đóng góp vào sức bật của thị trường hay sẽ là một cơn sốt đất cục bộ.

Quan trọng nhất là tính pháp lý

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Ngọc Chinh - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản GoldenLand - nêu ý kiến, việc trở thành một trong các quận của Hà Nội, đối với không chỉ Gia Lâm mà các huyện khác trong đề án, mọi thứ phải xuất phát từ nội lực. Dưới góc độ bất động sản, các sản phẩm tại đây sẽ tăng lên là điều tất yếu, nhưng phải lưu ý bởi tình trạng “bong bóng” bất động sản có thể quay trở lại một lần nữa.

“Khi huyện lên quận, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội sẽ được chú trọng đầu tư. Cơn sốt đất chỉ vừa mới dừng lại cách đây không lâu với bao nhiêu hệ lụy, tôi tin chắc mọi người sẽ còn nhớ như in về những gì đã xảy ra. Với những người có nhu cầu mua nhà để đảm bảo nơi sinh sống, công tác lâu dài ở Hà Nội, cần hết sức cẩn trọng. Nếu có tình trạng tăng giá đất, thì sẽ không có tính bền vững lâu dài và mang nhiều yếu tố tâm lý. Người mua nhà cần sáng suốt trước chiêu trò tung tin, đẩy giá đất nhằm trục lợi và có thể tham khảo giá đất từ nhiều môi giới, xác định giá đất có hợp lý hay không” - ông Chinh khuyến nghị.

Đồng ý kiến, luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) cho biết, khách hàng cần thận trọng trước những thông tin rao bán trên mạng để không bị mất quá nhiều tiền cho môi giới, bên cạnh đó là khảo sát thật kỹ giá trị bất động sản muốn mua.

Theo luật sư Phạm Ba Đô, điều quan trọng nhất đối với bất kỳ loại hình bất động sản nào vẫn là tính pháp lý. Tâm lý “an cư lạc nghiệp” vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn đối với những người muốn ở lại Hà Nội để công tác lâu dài. Một căn nhà có giấy chứng nhận sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ là điều tiên quyết trước khi quyết định xuống tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn