MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá nhà cao, doanh nghiệp chỉ rõ lãi vay quá sức chịu đựng

Thu Giang LDO | 28/04/2023 14:02

Để vực dậy thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp mới đây mong muốn Chính phủ nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về lãi suất, thủ tục khiến giá nhà ở khó giảm.

Chia sẻ tại hội nghị về vực dậy thị trường bất động sản, bà Nguyễn Thái Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Thăng Long - cho biết, doanh nghiệp đang triển khai một dự án đã hoàn thiện thủ tục đất đai, hoàn thành công tác đền bù cho người dân, đã đóng thuế cho Nhà nước, được cấp giấy phép xây dựng và đã cất nóc.

Tuy nhiên, khi dự án đang triển khai thì hết hạn, doanh nghiệp nộp hồ sơ đã 3 năm chưa được gia hạn và hồ sơ nộp lên bị đẩy đi khắp nơi. Trong quá trình dự án phải ngưng triển khai, doanh nghiệp vẫn phải vay ngân hàng với lãi vay trung hạn 14 -15%/năm, có những tháng lên tới 16%/năm.

Khi doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng cao như vậy thì khi bán nhà cũng phải tính vào giá vốn nên bất động sản không thể có chuyện giá nhà rẻ, giá thấp.

Giá nhà khó giảm vì vướng thủ tục, lãi suất. Ảnh: Thu Giang   

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - nhận định, ở mỗi dự án, các chủ đầu tư thường chỉ lãi từ 7 - 10%. Doanh nghiệp này cũng sẵn sàng bán mà không có lợi nhuận với mong muốn là có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền mua.

Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, trong quý I/2023 vừa qua, thị trường bất động sản gần như không có giao dịch, cung không gặp cầu. Lý do là doanh nghiệp vẫn phải gánh đủ chi phí nên không bán giá thấp được trong khi người mua thì chỉ tìm sản phẩm giá rẻ, không sẵn sàng xuống tiền cho những sản phẩm giá cao.

Doanh nghiệp bất động sản vẫn phải gánh đủ chi phí nên không thể hạ giá bán nhà. Ảnh: Thu Giang 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng - nhấn mạnh, chưa khi nào Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bất động sản như trong những tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, các vướng mắc của thị trường bất động sản hiện có nhiều nguyên nhân như hệ thống pháp lý, trong đó có Luật Đất đai, vướng về nguồn vốn, đặc biệt lãi suất vay. Không ít doanh nghiệp phản ánh hiện không thể "chịu đựng" được với lãi suất như hiện nay.

Theo DKRA Việt Nam, trong quý I/2023, nguồn cung và số lượng giao dịch bất động sản đang rất hạn chế dù các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí, có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Lâm - Chủ tịch Tập đoàn DKRA Việt Nam - nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho người mua. Trong khi đó, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tung gói 120.000 tỉ đồng nhưng chưa hiệu quả vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút.

Chủ tịch Tập đoàn DKRA Việt Nam cho rằng, cần giảm lãi suất về mức 5 - 6%/năm cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại như trước để tạo thiện cảm, thu hút người dân tham gia thị trường. Cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động thì mới khơi thông được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn