MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao thông kết nối làm tăng xu hướng chuyển dịch nơi ở ra vùng ven các đô thị lớn. Ảnh: Cao Nguyên.

Giải bài toán hạ tầng giao thông sẽ giảm sức ép về giá nhà

ANH HUY LDO | 15/02/2024 17:35

Khi hạ tầng giao thông phát triển, sự kết nối vùng thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều quỹ đất xây dựng các dự án bất động sản ở vùng ven. Việc này đồng nghĩa tăng thêm nguồn cung thì người dân có nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở và giá nhà sẽ tốt hơn.

Chị Vũ Thị Huyền (30 tuổi, Hà Nội) đang chật vật tìm mua nhà từ cuối năm 2023 đến nay mà vẫn chưa chốt được căn nào ưng ý. Kiểm tra khoản tiết kiệm và ngỏ ý vay mượn thêm từ người thân, 2 vợ chồng chị Huyền cầm trong tay hơn 1,5 tỉ đồng, để đi mua nhà.

“Đến bây giờ vợ chồng tôi vẫn chưa tìm được căn nào, chắc phải bỏ thời gian tìm thêm. Những căn vừa tiền thì vướng cấp sổ, thậm chí là không có sổ, còn những căn ưng ý giá lại khá cao, nên cũng rất đau đầu”, chị Huyền tâm sự.

Khảo sát cho thấy mặt bằng giá căn hộ chung cư thời gian qua tăng cao, còn nhà trong ngõ cũng tăng không kém.

Cụ thể trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, sang đến Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Hoàng Mai... nhìn chung vẫn neo cao sau các đợt sốt giá giai đoạn 2020-2022. Những căn nhà có diện tích đất 35-45m2, xây 3 - 4 tầng, hiện có giá trung bình 3,6 - 4,5 tỉ đồng, tương đương 120 - 200 triệu đồng/m2.

Đơn cử, tại quận Nam Từ Liêm, giá nhà mặt ngõ rộng 2,5 - 3m hiện trong khoảng 85 - 100 triệu đồng/m2, giảm trên dưới 10% so với năm 2023, song nhìn chung vẫn neo rất cao, ít hàng “ngộp”.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực theo thời gian nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cần thời gian dài để khắc phục. Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là các phân khúc bình dân, giá phù hợp - có nhu cầu rất lớn.

Lệch pha cung cầu ngày càng nghiêm trọng đẩy giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ, liên tục thiết lập mặt bằng giá neo ở mức cao, vượt xa khả năng chi trả của những người có nhu cầu thiết thực về nhà ở.

Trước thực trạng đó, giải pháp được đặt ra và nói đến nhiều nhất là các doanh nghiệp bất động sản cần giảm giá bán. Tuy nhiên, thực tế giá căn hộ rất khó giảm bởi các sản phẩm này tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm - nơi có quỹ đất ngày càng khan hiếm, nên các chủ đầu tư tập trung phát triển phân khúc cao cấp, để tối đa hóa lợi nhuận.

Hay các chi phí liên quan như chi phí tài chính, giá vật liệu xây dựng, lương công nhân... liên tục tăng cũng buộc chủ đầu tư phải bán giá cao mới có lời.

Đồng thời, khu vực lõi trung tâm có rất ít dự án nhà ở đang triển khai, được cấp phép mới do thủ tục pháp lý kéo dài trong khi nhu cầu nhà ở đang ở mức cao và vẫn theo xu hướng tăng.

Chia sẻ với PV Lao Động, TS Trần Xuân Lượng – Giảng viên chuyên ngành bất động sản Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mặt bằng giá bất động sản sẽ hạ khi nhu cầu đang dồn vào vùng lõi nội đô dịch chuyển sang khu vực ven trung tâm - nơi có ưu thế để tạo lập quỹ đất, phát triển các dự án quy mô lớn.

Theo ông Lượng, xu hướng dịch chuyển từ các khu vực nội đô sang vùng ven đã rõ nét trong vài năm gần đây. Nhiều nhà phát triển bất động sản đã đón đầu cơ hội, tiên phong triển khai các dự án đại đô thị vùng ven...

Giá bán tốt hơn, sản phẩm đa dạng kèm không gian sinh hoạt và tiện ích đa dạng dành cho cư dân, đã thu hút lượng lớn khách hàng chuyển đến đến sinh sống và làm việc. Bất động sản ở những khu vực này cũng nằm trong xu hướng tăng trưởng giá.

“Cần lưu ý hạ tầng là mấu chốt của vấn đề. Nếu hạ tầng giao thông thông thoáng và kết nối vùng tốt, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề đối với người dân. Khi có hạ tầng tốt chắc chắn người dân sẽ chủ động tìm nhà ở khu vực vùng ven. Trong khi đó, quỹ đất vùng ven ở các thành phố vẫn còn nhiều để phát triển dự án, lúc đó nguồn cung tốt thì giá nhà chắc sẽ giảm”, ông Lượng nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn