MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu đất làm dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, chưa có dấu hiệu xây dựng. Ảnh: Hữu Chánh

Giải quyết vướng mắc quỹ đất nhà ở xã hội

Bảo Chương LDO | 25/08/2023 15:27

TP Hồ Chí Minh là địa phương "khát" nhà ở xã hội, bởi cầu lớn hơn cung. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cũng như vấn đề xử lý quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo báo cáo giữa nhiệm kỳ chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, từ năm 2021 đến tháng 6.2023, nhà ở xã hội phát triển 32.668m2 sàn, chiếm 1,31% so với chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn có tổng cộng 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai (5 trong số này chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) với diện tích đất hơn 17,5ha, 517.690m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn.

Ghi nhận thực tế tại các dự án trên cho thấy, sau 1 năm động thổ, khởi công, các dự án này vẫn nằm "án binh bất động". Do nhiều nguyên nhân mà tiến độ xây dựng chưa đạt. Nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, việc thẩm định giá bán, thuê mua và xác định đối tượng.

Một dự án thương mại bình thường đã kéo dài, nhà ở xã hội còn có nhiều thủ tục hơn và khó hơn khiến tiến độ kéo dài thêm.

Vấn đề lớn nhất đang có nhiều tranh cãi đó là việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Luật Nhà ở hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của doanh nghiệp và của chính Bộ Xây dựng, thực tế triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, quy định nêu trên dẫn đến việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; hầu như không bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.

Việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương... có thể dẫn đến tình trạng quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai và làm tăng giá nhà ở.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ (ví dụ, dưới 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I), việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đất 20%) là không khả thi do không đủ diện tích tối thiểu để đầu tư được 1 khối nhà ở xã hội độc lập đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc, cảnh quan chung của dự án...

Vì vậy, giải pháp sắp tới, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha; đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Trường hợp chậm hoặc không thực hiện thì thu hồi, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu đất này theo quy định.

Đồng thời, ghi vốn đầu tư công và ngân sách để thực hiện các dự án, nhiệm vụ trọng tâm gồm dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Bên cạnh đó, phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh, hoặc giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước… cũng là một trong những giải pháp quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn