MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản giảm sút mạnh. Ảnh: Bảo Bảo

Giải toả áp lực cho kênh trái phiếu bất động sản

Bảo Chương LDO | 24/11/2023 17:55

Áp lực về dòng tiền đang khiến cho nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất giá trị chậm trả trái phiếu.

Trong báo cáo thị trường trái phiếu mới phát hành, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng, giá trị phát hành trái phiếu tháng 11 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên có xu hướng giảm kể từ tháng 9.

Tính đến ngày 22.11, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 11 ước đạt hơn 20.000 tỉ đồng, giảm 32% so với tháng trước. Hoạt động phát hành chậm lại dần từ tháng 9.2023. Đa phần các đợt phát hành trong tháng đến từ nhóm Tài chính - Ngân hàng, chiếm hơn 48% lợi suất vào khoảng 6,4% - 8%.

Xếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 73.100 tỉ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 31%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản vẫn là 9,7%/năm, kỳ hạn bình quân là 3,6 năm.

Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp có phần chững lại trong các tháng gần đây. Trong tháng 11, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, giảm 82% so với tháng trước.

Tính đến ngày 21.11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

MBS ước tính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Đây cũng là điều có thể dự báo được trước khi thị trường bất động sản đang quá khó khăn.

Báo cáo ngành bất động sản nhà ở vừa được VIS Rating công bố cho thấy, lợi nhuận của các công ty phát triển bất động sản nhà ở niêm yết đã sụt giảm mạnh trong 9 tháng 2023 trong bối cảnh thị trường suy thoái.

Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm mạnh kể từ năm 2022 do hoạt động mở bán mới suy giảm, dẫn đến nguồn tiền mặt sụt giảm.

Theo VIS Rating, tổng nguồn tiền mặt của các công ty bất động sản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ngoài ra, lượng trái phiếu đáo hạn lớn khoảng 114 nghìn tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2023-2024 cũng sẽ làm gia tăng rủi ro tái cấp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, với Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho đến nay mới chỉ thực hiện được 8 tháng (từ tháng 3 - 11.2023), nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã dần được cải thiện.

Quý IV/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỉ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Sang năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỉ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, điều 3 của Nghị định 08 quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đối với một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP gồm “xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu” đến hết ngày 31.12.2023.

Do đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chính phủ cần xem xét gia hạn hiệu lực của quy định này thêm 12 tháng, đến hết ngày 31.12.2024 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, tạo điều kiện để thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn