MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải toả áp lực với bài toán nợ xấu. Ảnh: Gia Miêu

Giải toả áp lực từ nợ xấu bất động sản

Gia Miêu LDO | 24/04/2023 12:53

Việc cơ cấu thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ phần nào giảm bớt áp lực về nợ xấu của ngành ngân hàng đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Theo ước tính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn 9 tháng còn lại của năm 2023 ở mức 220.770 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản ở mức 93.200 tỉ đồng. Đây là các con số lớn đáng kể so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản đã chậm lại từ quý I/2022. Trong quý gần nhất, doanh thu giảm 6,46% so với cùng kì và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kì. Số liệu của FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 17.3.2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ. Trong số 69 doanh nghiệp phát hành này, có 43 doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78.900 tỉ đồng. Bất động sản là ngành có tỉ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức cao thứ hai sau ngành năng lượng. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện đang có quy mô lưu hành lên tới hơn 396.300 tỉ đồng.

Các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho biết, điểm chung của các tổ chức phát hành trái phiếu bất động sản chậm trả nợ trái phiếu là đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay.

“Việc thị trường bất động sản đóng băng, các biện pháp kiểm soát dòng tín dụng và tình trạng nhiều dự án vướng mắc pháp lí, các doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không ổn định và âm trong 3 năm trở lại đây vẫn đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong thời gian tới. Rủi ro chéo cũng hiện diện đối với các doanh nghiệp có công ty mẹ gặp khó khăn thanh khoản”, các chuyên gia của FiinGroup nhận định.

Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Ảnh: Anh Dũng 

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia đã có sự cảnh báo về những hệ luỵ sẽ xảy ra. Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường bất động sản nước ta có nguy cơ trở thành ngòi nổ khủng hoảng kinh tế. Bất động sản lao dốc khiến chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng rơi vào khó khăn, nếu không xử lí, sẽ lây lan và khi đó rất khó ngăn chặn. Về phần mình thì các ngân hàng thương mại cũng đang gánh chịu nhiều áp lực. Thực tế hiện nay, các khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản ngân hàng. Thực tế, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng mạnh cuối năm 2022 cũng như quý I/2023.

Áp lực sẽ được giải toả một phần khi vào ngày 23.4.2023, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, các ngân hàng được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của ngân hàng.

Thông tư quy định khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng và việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại. Khoản nợ sau khi tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn