MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một mảnh đất ở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) trúng đấu giá hàng trăm triệu đồngm2 đang là nơi trồng chuối. Ảnh Cao Nguyên.

Giật mình với đất đấu giá “nóng bỏng tay” từ nông thôn đến thành phố

CAO NGUYÊN LDO | 07/11/2021 10:54

Dù cơn sốt đất đã đi qua nhưng thời gian gần đây nhiều cuộc đấu giá đất có mức giá trúng cao ngất ngưởng từ thành phố đến nông thôn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Đất nông thôn khởi điểm giá 110 triệu/m2

Sắp tới, nhiều cuộc đấu giá đất tiếp tục được tổ chức ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác.

Điển hình ngày 15.11 tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức phiên đấu giá 26 thửa đất tại khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh. Hay ngày 22.11, Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia sẽ tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất gồm 11 thửa đất tại phường Thụy Phương. Giá khởi điểm là hơn 40 triệu đồng/m2.

Vừa qua, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến giới đầu tư “váng đầu” vì có mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá này càng trở nên sôi động khi có tới 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự.

Một lô đất được đấu giá lên tới gần 400 triệu đồng/m2 đang là nơi trồng chuối. Ảnh Cao Nguyên.

Sức nóng của phiên đấu giá càng được đẩy cao hơn khi nhìn vào kết quả. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 - 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.

Cá biệt, lô B12 diện tích 44,5m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất của phiên đấu giá.

Phiên đấu giá ở Hà Nội chưa kịp hạ nhiệt, thì mới đây, thông tin UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm một số lô đất cao ngất ngưởng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại 7 xã thuộc huyện Mỹ Lộc cũng khiến giới đầu tư giật mình.

Một thửa đất tại khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh sắp được đấu giá. Ảnh Cao Nguyên.

Cụ thể, xã Mỹ Thắng là địa phương có nhiều lô đất được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm cao 30 - 50 triệu đồng/m2, tương đương với giá mỗi lô đất 2,3 tỉ đồng đến 6,4 tỉ đồng, tùy vào diện tích.

Cá biệt, tại xã này cũng có 6 lô đất tại vị trí đường xã (từ giáp địa giới xã Mỹ Hưng đến Cầu Thịnh) có diện tích từ 87,7m2 đến 107,3m2 có giá khởi điểm 110 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 9 - 11 tỉ đồng/lô.

Cẩn trọng với chiêu trò tạo sốt đất “ảo”

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạch bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là phương thức giúp các địa phương trong tỉnh huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Điệp nói, qua kết quả đấu giá QSDĐ thời gian qua cho thấy, mỗi năm nguồn tiền từ đây bổ sung vào nguồn ngân sách cho các tỉnh khá lớn. “Từ đấu giá QSDĐ đã tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo vốn để các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng, như: Giao thông, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trạm xá, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống điện, công viên, vườn hoa cây xanh…”, ông Điệp nhấn mạnh.

Một phiên đấu giá đất tại Hà Nội. Ảnh Cao Nguyên.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, khi kết thúc các phiên đấu giá, nhiều lô đất được các ông chủ rao bán với mức giá tăng cao. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công sẽ “lướt sóng” cho những người khác ngay tại khu đất và có thể lãi từ 50 - 150 triệu đồng/lô.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, tại một số phiên đấu giá đất, có trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.

Chuyên gia tài chính PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bên cạnh việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì chính quyền các địa phương cũng cần công khai minh bạch các kế hoạch tổ chức đấu giá đất và kết quả trúng đấu giá.

Đồng thời, theo ông Thịnh cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay "ngầm" trong các cuộc đấu giá đất, đặc biệt những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn. Có như vậy, thị trường bất động sản mới đảm bảo tính minh bạch và tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn