MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các chuyên gia, cần có cuộc "cải cách" về thủ tục bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên.

Gỡ khó bất động sản, đón chờ "cải tổ" pháp lý

Quý An LDO | 28/09/2023 13:03

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, dự kiến trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều vấn đề được đề xuất nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), gần 2 năm qua, thị trường bất động sản vấp phải nhiều vấn đề về nguồn vốn, quy định pháp lý. Trước kia, những khó khăn đó, các tổ chức bất động sản tập trung tái cấu trúc bộ máy… cố gắng duy trì trạng thái như hiện tại. Tuy nhiên, vẫn có sự khó khăn từ những nút thắt.

"Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã hé mở một số dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi. Thủ tướng Chính phủ đưa ra rất nhiều giải pháp, chỉ đạo để cùng vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các giải pháp dần từng bước đi vào khắc phục như Đề án 1 triệu nhà ở xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 08, Nghị định 10 nhằm tháo gỡ thị trường bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện… Các địa phương, doanh nghiệp cũng đang góp ý về những bất cập để Bộ ngành trình Chính phủ. Thủ tướng đã chỉ đạo, lắng nghe trực tiếp 400 doanh nghiệp, hiệp hội tham gia đề xuất giải pháp" - ông Khôi nói.

Song trong giai đoạn hiện tại, vẫn còn vướng mắc tồn đọng. Người đứng đầu VnREA cũng cho biết, các văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều đang được được ra bàn luận rất cụ thể. Chẳng hạn, pháp luật đất đai, mặc dù đã được bổ sung trong dự thảo nhưng vẫn còn những điểm cần tiếp tục bám sát để trình Quốc hội về một số quy định liên quan đến chấp thuận đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, chuyển nhượng đất...

Ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, trong các mặt hàng nhà ở thương mại, cần có một phân khúc đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng có thu nhập khác nhau.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, bất động sản là quan trọng với nền kinh tế, liên quan mật thiết và có sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác. Doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đã gặp khó khăn do các yếu tố trong và ngoài nước. Tại một số địa phương, có 70-80% dự án phải tạm ngừng thi công. Nguồn cung giảm, nhưng đi kèm là cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Nguồn cung cho thị trường bất động sản ngày càng eo hẹp vì dự án đóng băng. Ảnh: Anh Dũng

"Trước đây doanh nghiệp chờ Chính phủ tháo gỡ, nhưng hiện tại doanh nghiệp đã chủ động đồng hành cùng Chính phủ. Hiện có ba lĩnh vực cốt yếu cần phải xem xét, đánh giá là pháp luật, nguồn vốn và thực thi" - ông Hải phân tích.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định: Thời điểm hiện tại, đang có một đợt sửa đổi lớn với nhiều văn bản pháp luật. Theo đó, cần phải phát triển hài hòa, cân bằng các phân khúc, cung cầu, giá cả, quy hoạch; sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua. Ngoài ra, cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi. Các văn bản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng đúng hạn, chất lượng và cân nhắc phương án tiếp tục thực hiện Nghị định 65 từ đầu năm 2024.

Ông Lực cũng đề xuất, cần quy định nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, tài chính và quản lý phù hợp

“Chúng ta không nên đánh đồng rằng thị trường bất động sản là rủi ro, mà phải phân loại để kiểm soát" - ông Lực nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn