MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày càng nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam. Ảnh: Cao Nguyên.

Gỡ khó pháp lý, giữ chân nhà đầu tư ngoại

ANH HUY LDO | 02/08/2023 09:45

Xu hướng tăng mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam là một tín hiệu tốt, phản ánh tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển ngày càng tích cực. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, giữ chân một lượng lớn nhân sự trình độ cao đến Việt Nam làm việc, Luật Nhà ở cần được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với quy định, thực tiễn.

Thống kê của Bộ Xây dựng, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, đã có 3.035 người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765 trường hợp), TP. Hồ Chí Minh (850 trường hợp), Bắc Ninh (110 trường hợp), Bình Dương (210 trường hợp), Bà Rịa - Vũng Tàu (50 trường hợp)... Phần lớn là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, theo tính toán của đơn vị số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018-2022. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam rất lớn.

Theo ông Đính, xu hướng mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam là một tín hiệu tốt, phản ánh tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển ngày càng tích cực.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, còn nhiều rào cản, đặc biệt là về pháp lý và thủ tục hành chính gây khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi cần được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với quy định, thực tiễn.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị tiếp tục tăng nguồn cung nhà ở; cho phép cá nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư), song cần quy định rõ yêu cầu về khoảng thời gian lao động tối thiểu còn lại tại thời điểm mua nhà.

Ông Nguyễn Văn Đính nói thêm, nên cho phép người nước ngoài có thể mua nhà ở từ công dân Việt Nam, cho phép cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản du lịch. Bởi đây là các sản phẩm cao cấp, khó thanh khoản, phù hợp với khả năng chi trả của người nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đã hòa nhập với các nước thì việc mở rộng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là bình thường.

“Nên nới lỏng để kích thích đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài chủ yếu mua căn hộ cao cấp. Họ có đầu tư cũng chủ yếu là vào khách sạn nhà hàng và văn phòng. Chúng ta vẫn kiểm soát chặt nên không có gì đáng ngại” - ông Điệp nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, để tránh đầu cơ, cần áp dụng đánh thuế bất động sản lũy tiến tăng theo với số lượng bất động sản đã mua. Mức thuế có thể nâng cao dần nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, các chính sách cần giữ nguyên, bổ sung thêm các quy định để đảm bảo yêu cầu về an ninh, quốc phòng và không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tái định cư,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn