MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dấu hiệu tích cực đang thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước trở lại trong cuối năm nay. Ảnh: Tuấn Anh

Gỡ vốn cho thị trường bất động sản

Quý An LDO | 17/07/2023 06:37

Lĩnh vực bất động sản hiện chiếm 3,6% GDP (năm 2022) và là ngành liên thông chặt chẽ với thị trường tài chính. Ngoài ra, bất động sản có tác động tới gần 40 ngành nghề kinh tế khác nhau và vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Làm thế nào để "rã đông" thị trường bất động sản là câu hỏi khó.

Doanh nghiệp bất động sản khát

“Thiếu vốn và lãi suất cao là hai vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hoạt động trên thị trường bất động sản hiện nay. Thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực BĐS thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm” - TS Võ Thị Vân Khánh, Khoa Quản trị Kinh doanh - Học viện Tài chính nhận định.

Theo phân tích, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản trong 4 tháng đầu năm 2023 đã tăng thêm khoảng hơn 90.000 tỉ đồng (gần bằng một nửa mức tăng thêm hơn 200.000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm 2022).

70% vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản liên quan đến pháp lý. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguyên nhân chủ yếu do yếu tố pháp lý của các dự án, trong đó có vấn đề liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án, khiến doanh nghiệp không chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới, do đó không tiếp cận được các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới...

Giải pháp gỡ khó thị trường bất động sản  

Bàn về giải pháp gỡ vốn cho doanh nghiệp bất động sản, TS Võ Thị Vân Khánh cho biết, một mặt, các doanh nghiệp phải chủ động tự tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại các khoản nợ và nâng cao tín nhiệm để nâng cao tỉ lệ huy động vốn từ phát hành trái phiếu.

Mặt khác, Chính phủ và các cơ quan chức năng đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, điều chỉnh các dự án phù hợp điều kiện, tình hình địa phương. Bên cạnh đó, làm rõ thời gian, trách nhiệm và kết quả cụ thể, tập trung xử lý các vấn đề chồng chéo quy định pháp luật hoặc hiểu không đúng, vượt quyền, hiểu và áp dụng của các cơ quan nhà nước khác nhau. Tăng minh bạch, công khai hóa việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về bất động sản.

Ngân nhà Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho các doanh nghiệp bất động sản lành mạnh, có uy tín tín dụng được vay tiếp theo quy định, nhất là các dự án có đủ uy tín, điều kiện vay, với mức lãi suất hợp lý. Mặt khác, hạn chế các doanh nghiệp của ngân hàng tham gia đầu tư bất động sản hoặc hạn chế các doanh nghiệp mua cổ phần chi phối ngân hàng. Đồng thời, cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nghiên cứu cập nhật, phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn lũng đoạn và đầu cơ.

Các Bộ chức năng và chính quyền các tỉnh, thành cần sớm chủ động xây dựng các quy hoạch chi tiết và chính sách hỗ trợ liên quan (về thủ tục hành chính, thuế, tín dụng và giá cả…) thích hợp với địa phương và thị trường cụ thể để sớm triển khai chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

“Cần nhấn mạnh rằng, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cần quán triệt và bám sát nguyên tắc ‘không ai giải cứu cho ai’, bảo đảm hài hòa các lợi ích, lưu ý xử lý nợ tư mà không làm tăng nợ công và giảm thiểu tác động trái chiều trong công tác kiểm soát, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường” - TS Võ Thị Vân Khánh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn