MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Cận cảnh loạt chung cư cũ trước thềm cải tạo, xây mới

Phan Anh - Tuấn Anh LDO | 06/05/2021 08:44
Giảng Võ, Thành Công và Ngọc Khánh là 3 khu chung cư cũ được đề xuất cải tạo, xây dựng lại trong chương trình số 03 của Thành uỷ Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 1.579 nhà chung cư cũ cần cải tạo lại, có quy mô từ 2 - 5 tầng. Các khu nhà này chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô.
Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, Hà Nội chỉ có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do các khu chung cư cũ đa số nằm ở những vị trí hạn chế chiều cao, nằm xen kẽ với các khu nhà dân nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng, xác định giá cho các hộ dân khó khăn. Trong khi đó, thực tế đang có một số bất cập trong các văn bản thể chế.
Xây dựng đã lâu, nhiều tòa nhà xuống cấp trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng cư dân.
Nhiều khu chung cư cũ như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh... đã có tuổi đời lên đến hơn 40 năm
Đa số người dân đều muốn sớm được cải tạo hoặc xây mới.
Bà Chu Thị Việt (một người sống hơn 40 năm tại khu chung cư Thành Công) chia sẻ.“Công trình bây giờ xuống cấp trầm trọng. Nước từ trên chảy xuống, thấm xuyên qua tường. Thậm chí lấy que chọc vào vữa bở tơi như đất. Đêm chúng tôi ngủ, chỉ cần ôtô tải đi qua cảm giác rung lắc cả nhà, cả giường của mình“.
Nhiều hộ dân tự ý cơi nới, xây dựng chuồng cọp phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có cháy nổ xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Thẩm (người dân sống tại khu chung cư cũ Giảng Võ) cho biết, đa số người dân đều mong muốn sớm được cải tạo nhà, chỉ có một số hộ sống tại tầng 1 còn tiếc mặt bằng.
Nhiều chuyên gia nhận định, để gỡ rối và khơi thông cho công tác cải tạo, xây mới chung cư, ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương còn cần có cơ chế đặc thù.
Được biết mới đây, thành phố Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh làm trưởng ban.

Trao đổi với PV Lao Động, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - cho biết: Việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, TP.Hà Nội mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu trong tổng số 60 khu chung cư tại Hà Nội.

Ông Nghiêm cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng phải xây cao tầng các chủ đầu tư mới có lãi.

Một khó khăn khác từ chủ đầu tư được TS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra là việc đàm phán với người dân. Theo ông Nghiêm, Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn