MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Đất vàng" nhiều năm bỏ không, quây tôn làm mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Nguyễn Thúy

Hà Nội: Hiện trạng khu "đất vàng" treo 30 năm được kiểm đếm để xây trường

NGUYỄN THÚY LDO | 16/03/2023 07:58

Khu “đất vàng” 2 mặt phố Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa điểm được lựa chọn xây trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, đến hiện tại, việc giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều vướng mắc nên chưa thể hoàn thành.

Khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền thuộc phường Hàng Bài và 36A phố Trần Hưng Đạo thuộc phường Phan Chu Trinh có diện tích 1.233,7m2, đang được Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm kiểm đếm bắt buộc để xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Khu đất giao giữa phố Ngô Quyền và phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Nguyễn Thúy

Trước đây, khu vực có nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và 25 hộ dân sinh sống. Đây là khu đất có nguồn gốc là thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, được cơ quan phân.

Năm 1993, UBND TP.Hà Nội đã có chủ trương thu hồi đất giao cho Cục Kho bạc Nhà nước (sau giao cho Kho bạc Nhà nước Hà Nội) thực hiện chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng xây dựng Kho bạc Nhà nước.

Một phần mặt phố Ngô Quyền hiện đang cho thuê kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Thúy

Giai đoạn này đã di chuyển được Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà và 10/25 hộ dân bố trí tái định cư tại chung cư số 232 phố Nguyễn Lương Bằng, nay là ngõ 2 phố Tây Sơn (Đống Đa).

Năm 2014, UBND TP giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiếp nhận khu đất, thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu; hiện trạng còn lại 15/25 hộ dân. Quá trình triển khai, các hộ dân không đồng thuận, liên tục có đơn thư kiến nghị khiếu nại.

Khu vực đã thu hồi giải phóng mặt bằng hiện được quây tôn. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tính tới thời điểm hiện tại, sau 30 năm, khu đất có 10 hộ dân đã di dời đi nơi khác. Có 2 hộ dân đã đồng ý chủ trương để di dời; còn 13 hộ thuộc hai phường Hàng Bài và phường Phan Chu Trinh vẫn gây khó khăn cho chính quyền, chưa dời đi. 

Ghi nhận của PV, những khu vực được thu hồi được rào tôn xung quanh, trở thành khu vực bán trà đá, nước giải khát. Phía bên trong khu đất được quây tôn là vô số cành, lá cây khô, rác thải bị vứt bừa bãi, cỏ dại mọc um tùm do từ lâu chưa có ai đến dọn dẹp.

Nhiều người dân tận dụng việc đất bỏ không đã căng mái tạm che nắng mưa để bán hàng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Một phần mặt phố Ngô Quyền có vị trí thuận lợi nên vẫn được người dân cho thuê mặt bằng hoặc sử dụng để làm cửa hàng kinh doanh, buôn bán.

Tại 36A Trần Hưng Đạo, những hộ dân vẫn sinh sống và chia nhau mở quán ăn uống tại khu vực sân.

Nhiều người dân tận dụng việc đất bỏ không đã căng mái tạm che nắng mưa để bán hàng. Ảnh: Nguyễn Thúy.

“Chúng tôi cứ buôn bán, khi nào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thỏa đáng thì sẽ chuyển đi. Khu đất này đã được giải phóng từ lâu, vì vậy nếu như nhà ở có xuống cấp cũng không thể sửa chữa”, bà L.H – người dân sống tại đây cho biết.

Được biết, thời gian thực hiện dự án trường tiểu học Võ Thị Sáu là từ năm 2023 - 2024. Với nguồn vốn từ ngân sách quận Hoàn Kiếm. Đây là dự án trọng điểm của quận giai đoạn 2020-2025, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Dự án trường tiểu học Võ Thị Sáu với quy mô 5 tầng nhà và 2 tầng hầm.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Trọng Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh - cho biết, trên địa bàn có tổng 10 chủ sử dụng nhà, đất và những người liên quan nằm trong dự án đang được phía phường vận động, thuyết phục để di dời.

"Đến nay, có 2 hộ đã đồng ý chủ trương kiểm đếm đất bắt buộc, 8 chủ sử dụng nhà, đất còn lại đã không phối hợp thực hiện và từ chối ký tên vào các biên bản của Tổ công tác", ông Sỹ nói và cho biết.

Theo vị lãnh đạo này, phường tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành Quyết định kiểm đếm bắt buộc để thực hiện dự án xây dựng trường theo đúng lộ trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn