MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội họp về vụ 8B Lê Trực: Vẫn đang lên kế hoạch phá dỡ tầng 17, 18

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG LDO | 12/02/2020 12:27
Sáng ngày 12.2, UBND quận Ba Đình tổ chức buổi họp thông tin đến báo chí về việc xử lý các sai phạm của công trình 8B Lê Trực.

Khâu quan trọng nhất là tìm đơn vị tư vấn, lập được phương án phá dỡ

Năm 2015, theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP. Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Tháng 11.2015, Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. Tuy nhiên đến hiện tại, kế hoạch phá dỡ giai đoạn 2 vẫn chỉ đang “nằm trên giấy”.

Ông Tạ Nam Chiến, Phó Bí thư Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết cho đến nay, dự toán phá dỡ gia đoạn 1 vẫn chưa được phê duyệt. “Do công ty thi công của giai đoạn 1 dùng một loại máy hoàn toàn mới, là máy cắt bằng dây kim cương nên hiện tại dự toán trong giai đoạn 1 của chúng tôi vẫn chưa được phê duyệt.

Đến giai đoạn 2, kết cấu tầng 17, 18 phức tạp nên việc tháo dỡ gặp nhiều khó khăn. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đơn vị thi công và thực hiện  phá dỡ trước vách kích, tường ngăn”, ông Chiến cho biết.

Ông Chiến cũng khẳng định việc tháo dỡ chỉ mất từ 1 đến 2 tháng nên khâu quan trọng nhất là tìm kiếm đơn vị tư vấn, lập được phương án phá dỡ.

 Công trình 8B Lê Trực. Ảnh: Hoài Anh

“Việc thông báo về thời gian nhận nhà là việc của nhà đầu tư”

Liên quan đến việc tháo dỡ những tầng xây vượt quá quy định, nhiều người mua căn hộ tại 8B Lê Trực cho biết chủ đầu tư 8B Lê Trực đã bán phần lớn căn hộ thuộc toà nhà cho cư dân, nên chủ sở hữu hợp pháp toà nhà phải là người dân đã mua căn hộ ở đây. Trong suốt 5 năm qua, việc xử lý toà nhà, những người chủ thực sự của các căn hộ đã bị bỏ quên, không được tham gia ý kiến vào quá trình xử lý sai phạm của các bên liên quan.

 Ông Tạ Nam Chiến, Phó Bí thư Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình phát biểu về việc xử lý sai phạm công trình 8B Lê Trực. Ảnh: Hồng Cường

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Tạ Nam Chiến, Phó Bí thư Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, việc thông báo đến những người dân đã mua nhà là việc của chủ đầu tư. “Việc những người dân mua nhà ở 8B Lê Trực là hợp đồng giao dịch giữa chủ đầu tư và các hộ dân mua nhà. Đây mới chỉ là tài sản hình thành trong tương lai, bởi công trình này chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu về mặt kĩ thuật, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Do đó, công trình chưa được đưa và sử dụng và người dân chưa được cấp giấy về sở hữu nhà. Đây chỉ là quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và người mua nhà, chính chủ đầu tư phải là người trả lời các hộ dân về thời gian bàn giao nhà”, ông Chiến cho biết.

Liên quan đến vi phạm tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP. Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm để "đảm bảo kỷ cương, pháp luật". Được biết, từ năm 2015 đến 2018, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên đến nay, công trình này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn