MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rao bán ki-ốt với giá rẻ nhưng cả năm không có lấy một cuộc điện thoại hỏi thuê. Ảnh: Nguyễn Thúy

Hà Nội: Treo biển cho thuê ki-ốt cả năm vẫn không ai hỏi

Nguyễn Thúy LDO | 24/03/2023 07:15
Sau khi phá dỡ để xây trung tâm thương mại, một số khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội trở nên ế khách. Hàng loạt ki-ốt treo biển cho thuê, bán gấp, chuyển nhượng giá rẻ nhưng cũng không có khách hỏi.

Ghi nhận của PV, tại các khu chợ nổi tiếng ở Hà Nội, tình trạng ế ẩm khiến dân buôn bán chán nản.

Nhiều ki-ốt cũng phải chịu cảnh đóng cửa, phủ bạt nhiều ngày dù giá cho thuê giảm mạnh.

Hàng loạt ki-ốt đóng cửa, bỏ trống. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 50 - 60% sạp mở cửa buôn bán, còn lại trong tình trạng đóng cửa, chưa hẹn ngày trở lại.

Những thông báo cho thuê hay sang sạp được treo đầy trong chợ nhưng không có ai đoái hoài.

Nhiều gian hàng bị thu hồi do không thanh toán tiền thuê và các phí dịch vụ. Ảnh: Nguyễn Thúy

Nhiều tiểu thương tại đây cho biết, thời buổi buôn bán khó khăn nên ai cũng ngại đầu tư, mở quầy sạp lúc này.

Liên hệ với một địa chỉ cho thuê ki-ốt, chị L.T nói sẵn sàng cho mượn, chỉ cần đóng tiền thuế và tiền đất khoảng 2 triệu/tháng cho 6m2.

“Giờ ế ẩm, cho thuê với bán lại nhưng treo biển cả năm cũng không ai hỏi. Trong khi đó, hàng tháng vẫn phải trả tiền thuế, tiền đất, gồng gánh thế này thì chúng tôi lâm vào đường cùng mất” - chị T nói.

Nhiều gian hàng cho thuê giá rẻ, thậm chí cho mượn nhưng cũng không mấy ai dòm ngó đến. Ảnh: Nguyễn Thúy

Sở hữu 2 ki-ốt tại trung tâm thương mại chợ Mơ, chị Thu Hương (Hà Nội) cũng đang ráo riết tìm người mua lại mặt bằng kinh doanh.

“Tôi giao bán mấy tháng nay cũng không ai hỏi. Giá hiện là 100 – 300 triệu/m2, tùy vị trí. Chợ ế ẩm nhưng vẫn phải cố bám trụ bởi nếu bây giờ bỏ đi sẽ mất trắng quyền lợi”, chị Hương nói.

Tương tự, tại chợ Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), khu chợ 5 tầng nhưng chỉ có 2 tầng hoạt động.

Cụ thể, tại tầng 1, 2 số lượng các ki-ốt đóng cửa, ngừng hoạt động chiếm tới 80%. Tầng 3, 4, 5 tất cả các gian hàng phủ bụi, không một bóng người.

Đóng  cửa là tình trạng xuất hiện mọi khu vực ở chợ thương mại. Ảnh: Nguyễn Thúy

Trong vai một người cho nhu cầu thuê ki-ốt tại chợ, nhiều tiểu thương còn khuyên PV không nên xuống tiền vì ế khách. Trong khi tiền điện 4.500 đồng/số, phí an ninh tính theo diện tích quầy từ 200.000 - 350.000 đồng/tháng.

Những thông báo bán và cho thuê quầy xuất hiện nhan nhản trong chợ. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Mỗi quầy sẽ từ 10 – 30 m2, giá thuê từ 1 – 2 triệu, sẽ thu tiền 3 tháng hoặc 6 tháng/lần. Nếu mua sẽ là 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thời điểm này mà thuê thì coi như vứt tiền qua cửa sổ. Khách thì ít, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Ki-ốt của tôi giờ cũng đắp chiếu để đấy”, chị C chia sẻ.

Tầng 3, 4, 5 trong tình trạng phủ bụi nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo chị C, giờ ai còn cố gắng bám trụ là bởi cách đây hơn chục năm, khi chợ cũ bị phá dỡ để xây trung tâm thương mại, các chủ hàng muốn giữ chỗ bán quen phải bỏ tiền ra mua ki-ốt với giá từ 10 triệu đồng/m2 cho hợp đồng 30 năm.

Nhiều cửa buôn bán cầm chừng, theo thói quen vì đã chót đóng tiền thuê ki-ốt tới 30 năm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Các tiểu thương tại chợ cho biết, từ ngày "lên đời" thành trung tâm thương mại với hệ thống cầu thang máy, đèn đóm, điện nước, chợ thì mất khách, chủ quầy thì đóng cửa và rao bán ki-ốt nhằm tháo vốn, tìm hướng kinh doanh khác.

"Việc mua sắm ở các khu chợ tạm thuận tiện và phù hợp hơn bởi nếu vào trong chợ mua mớ rau mà mất tới 5.000 đồng tiền gửi xe thì chẳng ai xuống”, chị Ngọc Thảo - tiểu thương tại chợ cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn