MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá nhiều lùm xùm quanh vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: Bảo Chương

Hai lô đất bị bỏ cọc ở Thủ Thiêm sẽ được đấu giá lại như thế nào?

B. Chương LDO | 13/02/2022 14:10

TPHCM - Xung quanh những lùm xùm về việc các doanh nghiệp tham gia đấu giá rồi bỏ cọc 2 lô đất tại Thủ Thiêm, dư luận đang quan tâm sẽ có những giải pháp như thế nào cho hợp lý ở lần đấu giá tiếp theo.

Hai doanh nghiệp bỏ cọc và hai doanh nghiệp trễ hạn nộp tiền là tình huống hiện tại đối với 4 lô đất được tổ chức đấu giá ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm hồi tháng 12.2021.

Nguồn tin từ Cục Thuế TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã ra quyết định huỷ kết quả đấu giá lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Doanh nghiệp này đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đồng nghĩa với việc mất khoảng 600 tỉ đồng tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá lô đất 3-12, tương ứng 20% giá khởi điểm lô đất. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh), doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-9 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng đã có văn bản chính thức gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố xin không tiếp tục triển khai dự án tại lô đất trên. Về trường hợp này, phía Cục Thuế TPHCM cho biết nếu Công ty Bình Minh bỏ cọc thì UBND TPHCM sẽ là cơ quan ra quyết định thu hồi quyết định trúng đấu giá. Còn tiền đặt cọc của doanh nghiệp này thì cơ quan thuế sẽ sung công quỹ. 

Còn lại, đến nay, dù đã hết thời hạn 30 ngày kể từ khi Cục Thuế TPHCM thông báo, 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5 giá 3.820 tỉ đồng) và Công ty CP Sheen Mega (trúng đấu giá lô đất 3-8 giá 4.000 tỉ đồng) vẫn chưa thực hiện nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM cho biết sau khi nhận được văn bản của Công ty Bình Minh, sẽ mời đại diện công ty và đại diện UBND TPHCM (đơn vị có hợp đồng với đơn vị trúng đấu giá) để xem doanh nghiệp có thực hiện nộp theo đấu giá hay không. Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh khi hủy hợp đồng.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM khẳng định, sau khi 2 doanh nghiệp bỏ cọc thì các lô đất này được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM quản lý. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM cho biết, thời gian tổ chức đấu giá lại 2 lô đất này tùy thuộc vào quyết định của UBND TPHCM. Có thông tin lãnh đạo TPHCM đang nghiên cứu và mong muốn có một cách tiếp cận mới hơn để được lợi ích cao hơn. Ví dụ, thay vì bán từng lô thì doanh nghiệp mua đất tại đây phải đầu tư phát triển theo đúng định hướng của thành phố, như phát triển khu này thành trung tâm tài chính. Còn hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM đang hoàn  thiện thủ tục đấu giá cho 6 lô đất khác ở khu chức năng số 1 và khu 3.790 căn chung cư tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức để tiếp tục đưa ra đấu giá trong thời gian tới.

Đã có nhiều ý kiến được đưa ra về những hệ luỵ của việc bỏ cọc dây chuyền sau khi trúng đấu giá. Không rõ nguyên nhân đằng sau của các công ty xin hủy hợp đồng trúng đấu giá, chấp nhận bỏ cọc hàng trăm tỉ đồng là gì nhưng thực tế thấy rõ họ đều bỏ giá rất cao so với giá khởi điểm. Thậm chí, cao hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thị trường hiện tại. Chính vì vậy, câu hỏi lớn nhất hiện nay đó là sắp tới đây, khi đấu giá lại hai lô đất nói trên thì việc định giá khởi điểm có nên được xem xét lại hay không? Các quy định liệu có được thay đổi để đảm bảo được vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức đấu giá dựa trên 3 nguyên tắc: Công khai, minh bạch, và cạnh tranh lành mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn