MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công trình “biệt phủ” xây dựng trái phép ngoài đê Lạch Tray (Hải Phòng). Ảnh: Đại An

Hải Phòng chỉ đạo xử lý dứt điểm 39 trường hợp vi phạm đê điều trong tháng 10

Hoàng Khôi LDO | 25/09/2023 11:35

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố trong tháng 10.2023.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tại Văn bản số 4986/VP-TL ngày 19.7.2023, các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều đã được thống kê (70 trường hợp) phải xử lý dứt điểm trong tháng 8.2023. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 20.9, mới xử lý dứt điểm được 31/70 trường hợp.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ yêu cầu huyện An Lão và Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện phải khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Văn bản số 4986/VP-TL ngày 19.7.2023 và Thông báo kết luận số 221/TB-VP ngày 31.7.2023 của UBND thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đồng ý gia hạn thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (39/70 trường hợp còn lại). Cụ thể, đối với các vụ việc vi phạm trên địa bàn các quận, huyện An Dương, Kiến An, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo phải hoàn thành trong tháng 9.2023; các vụ việc vi phạm trên địa bàn các quận, huyện Hải An, Lê Chân, An Lão phải hoàn thành trong tháng 10.2023. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu không hoàn thành việc xử lý sau thời hạn trên.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ lưu ý các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết chủ động xin ý kiến các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các trường hợp vi phạm còn tồn tại (trước ngày 1.1.2021) để xử lý dứt điểm theo quy định.

Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý đê điều, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều mới phát sinh và xử lý dứt điểm ngay theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời, tuyệt đối không để các trường hợp vi phạm mới phát sinh nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều các địa phương. Kiểm tra cụ thể kết quả xử lý các vi phạm mà các địa phương báo cáo đã xử lý dứt điểm, đảm bảo việc xử lý đúng quy định.

Sở chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai, chủ động phối hợp với các địa phương xác định cụ thể hành lang bảo vệ đê (đặc biệt là hành lang bảo vệ đê phía đồng) đối với đê cấp 4 để xác định chính xác hành vi vi phạm làm cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm. Đơn vị thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính về thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19.7.2023 của UBND thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn