MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần cẩn thận trước khi mua đất xen kẹt. Ảnh: Đền Phú

Ham rẻ mua đất xen kẹt, cẩn thận mất trắng

Minh Hạnh LDO | 21/06/2024 06:27

Hà Nội - Giá nhà chung cư ở Thủ đô dù đã chững lại nhưng so với thời gian trước đã thiết lập mặt bằng giá mới, dự kiến khó có khả năng giảm trong thời gian tới. Do đó, nhiều người đã chuyển hướng sang tìm mua đất xen kẹt.

Chuộng mua đất xen kẹt vì giá rẻ

Tại Hà Nội, hoạt động mua bán đất xen kẹt diễn ra khá phổ biến. Trên các trang mua bán nhà đất, loại đất này đang được rao bán với nhiều mức giá, tuỳ diện tích và vị trí. Đơn cử, lô đất xen kẹt tại Dương Nội, quận Hà Đông có diện tích 136m2, mặt tiền 12,2m được rao bán với mức giá hơn 2 tỉ đồng, tương đương gần 15 triệu đồng/m2.

Ham rẻ mua đất xen kẹt cẩn thận mất trắng. Ảnh: Đền Phú

Một lô đất xen kẹt khác tại khu vực Phú Lương, quận Hà Đông có diện tích gần 94m2 cũng đang được rao bán với mức giá 700 triệu đồng, tương đương gần 8 triệu đồng/m2.

Tại quận Hoàng Mai, lô đất xen kẹt có diện tích 126m2, nằm ở phố Đại Từ (phía sau ga Giáp Bát), đất 2 mặt ngõ được rao bán với giá 2,5 tỉ đồng, tương đương gần 20 triệu đồng/m2.

Theo lời chia sẻ của chủ nhân lô đất tại phố Đại Từ, mấy năm trước lô đất này từng được rao bán với mức giá chỉ hơn 1,5 tỉ đồng. "Tôi đang rao bán hơn 2,5 tỉ đồng, nếu thuận lợi có thể ra sổ đỏ", người này nhấn mạnh.

Theo chị Trịnh Thu Hà (quê Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, thu nhập của hai vợ chồng chị chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng nên có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới một ngôi nhà ở Hà Nội.

Cách đây 2 năm, nghe theo lời khuyên của bạn bè hai vợ chồng đã vay mượn họ hàng được hơn 700 triệu đồng để mua một mảnh đất nhỏ 35m2 tại khu vực Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo chị Hà chia sẻ, đây là mảnh đất xen kẹt nằm trong ngõ và không có sổ đỏ. Tuy nhiên đã 2 năm trôi qua, vợ chồng chị Hà vẫn chưa thể làm được sổ đỏ cho miếng đất.

Mua đất xen kẹt nguy cơ trắng tay. Ảnh: Đền Phú

"Liên hệ với người bán đất và môi giới thì họ nói họ chỉ hỗ trợ làm thủ tục, nhưng giờ việc chuyển đổi đất bị xiết nên rất khó để làm sổ đỏ được. Vợ chồng tôi đành tiếp tục thuê nhà để ở, trong khi tiền nợ thì vẫn một đống, chưa trả được bao nhiêu", chị Hà nói.

Lợi thế của mua đất xen kẹt đó là có mức giá rẻ lại sở hữu vị trí thuận tiện, thường nằm giữa các khu dân cư đông đúc, đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng xung quanh, có cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chấp nhận "chôn" vốn nhiều năm vào đất xen kẹt, chờ cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng và hưởng lợi nhuận.

Cẩn trọng “tiền mất, tật mang”

Đất xen kẹt có thể rẻ hơn so với đất ở nên thu hút nhiều người có nhu cầu mua đất để xây nhà hoặc kinh doanh. Tuy nhiên, loại đất này tiềm ẩn nhiều rủi ro, như tranh chấp, vi phạm quy hoạch, khó được chuyển đổi mục đích sử dụng hay cấp sổ, có thể bị thu hồi để phát triển đô thị. Do đó, khi mua đất xen kẹt, người đầu tư cần phải cẩn thận trọng, nghiên cứu kỹ về tình trạng pháp lý, quy hoạch, và nghĩa vụ tài chính của thửa đất.

Theo anh Nguyễn Xuân Thạch - một môi giới nhà đất, mua đất xen kẹt tiềm ẩn không ít rủi ro, thậm chí là có thể mất trắng. Đầu tiên là việc chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở của những mảnh đất xen kẹt không đơn giản, bởi loại đất này có quá trình hình thành và sử dụng phức tạp, nên nhiều trường hợp đã mua nhưng không thể làm thủ tục xin cấp sổ. Đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp (chưa được công nhận là đất ở) nằm trong khu dân cư; hoặc đất dư sau quy hoạch. Những loại đất này thường không có sổ đỏ, chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay.

Nếu muốn chuyển nhượng cho người khác, mảnh đất phải có sổ đỏ, không có tranh chấp. Các giao dịch đất xen kẹt thường được thực hiện bằng hợp đồng viết tay nên dễ xảy ra khiếu kiện nếu chủ đất cố ý bán cho nhiều người. Do đó, nguy cơ có thể mất trắng số tiền đã bỏ ra nếu mua phải mảnh đất vướng tranh chấp kéo dài và không sổ.

“Đất xen kẹt chưa được quy định trong các văn bản pháp lý nên khi bị thu hồi sẽ không được bồi thường theo khung giá đất được ban hành. Điều này sẽ khiến số tiền thu về thấp hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra ban đầu”, anh Thạch cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn