MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Gia Miêu

Hạn mức giao đất tối đa đối với mỗi hộ gia đình mới nhất năm 2023

Thạch Lam (T/H) LDO | 05/11/2023 10:59

Nhà nước giao đất là việc trao quyền sử dụng đất bằng quyết định hành chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất. Người dân cần nắm được các quy định về hạn mức giao đất ở, đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng đất.

Thẩm quyền quy định hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình

Giao đất là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất nhằm mục đích trao quyền sử dụng đất cho người có nhu cầu sử dụng đất.

- Đất ở tại nông thôn: UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình để là nhà ở, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất đảm bảo phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

- Đất ở tại đô thị: UBND cấp tỉnh dựa theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất tại địa phương để quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình để xây dựng nhà.

- Đất nông nghiệp: UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đưa vào sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình mới nhất

- Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình tại nông thôn

Đất ở do hộ gia đình quản lý, sử dụng tại nông thôn gồm có: Đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống; hoặc vườn ao nằm trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư tại nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh dựa vào quỹ đất tại địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình để xây dựng nhà ở tại nông thôn.

- Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình tại đô thị

Đất ở do hộ gia đình quản lý, sử dụng tại đô thị gồm có: Đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình để phục vụ đời sống; hoặc vườn, ao nằm trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư tại đô thị, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ khoản 2 Điều 144 Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh dựa vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất tại địa phương để quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình tự xây dựng nhà ở đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại địa phương đó.

Như vậy, hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình do UBND cấp tỉnh quy định. Do đó, hạn mức đất ở tại mỗi địa phương sẽ khác nhau.

Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình

Căn cứ Điều 129 Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình được quy định căn cứ theo loại đất, cụ thể như sau:

- Đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối do hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

+ Không quá 3ha/mỗi loại đất: Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Không quá 2ha/mỗi loại đất: Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại.

- Đất trồng cây lâu năm

+ Không quá 10ha: Đối với các địa phương cấp xã ở đồng bằng.

+ Không quá 30ha: Đối với các địa phương cấp xã ở vùng trung du, miền núi.

- Đất rừng phòng hộ: Không quá 30ha.

- Đất rừng sản xuất: Không quá 30ha.

- Giao nhiều loại đất, bao gồm đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối: Tổng hạn mức giao các loại đất không quá 5ha.

- Giao thêm đất trồng cây lâu năm

+ Không quá 5ha: Đối với các địa phương cấp xã ở đồng bằng.

+ Không quá 25ha: Đối với các địa phương cấp xã ở vùng trung du, miền núi.

- Giao thêm đất rừng sản xuất: Không quá 25ha.

- Đất trống, đồi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm chưa sử dụng, được giao để sử dụng theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối.

+ Hạn mức tương ứng với các loại đất được giao, không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn