MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định phải có đất ở thì mới được làm dự án đang gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Chương

Hàng chục dự án bất động sản vẫn ở trong tình thế khó

Bảo Chương LDO | 18/08/2023 11:55

Dù doanh nghiệp đã có quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa có chút đất ở nào đều bế tắc, không được làm dự án bất động sản.

Với nỗ lực gỡ vướng các dự án nhà ở bị ách tắc thời gian qua, lãnh đạo UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành rà soát, phân loại các dự án theo nhóm để tìm cách tháo gỡ.

Theo báo cáo mới nhất của UBND TPHCM, tới thời điểm này, với 189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổng hợp, đến nay các sở, ngành đã giải quyết đối với 43 kiến nghị của 39 dự án. Số còn lại, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ đối với 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng; 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Được biết, trong 148 dự án nêu trên, vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư chiếm nhiều nhất có 48 dự án, có 30 dự án vướng mắc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vướng mắc liên quan thanh tra, điều tra và rà soát pháp lý có 21 dự án. Cuối cùng là 16 dự án vướng mắc liên quan đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.

Ngoài ra, một vấn đề đang vướng nhất hiện nay đó là ở nhóm các dự án đang đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM cho biết đang thụ lý 117 hồ sơ, song qua thẩm định có 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Từ đó, Sở KH-ĐT tham mưu thành phố không chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư… nhưng nay sở này cũng kiến nghị soát lại pháp lý.

Luật Nhà ở hiện hành quy định dự án phải có đất ở mới đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi Luật Đất đai 2014, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành năm 2022 thì cho doanh nghiệp mua các loại đất, kể cả đất nông nghiệp để phát triển dự án miễn phù hợp quy hoạch. Như vậy có thể thấy Luật Nhà ở đang có độ chênh với Luật Đất đai và Nghị quyết của Trung ương. Đó là lý do các dự án nói trên rơi vào tình tình huống trớ trêu như hiện nay.

Một phương án được lãnh đạo thành phố đưa ra cho các dự án này đó là chuyển sang đầu tư nhà ở xã hội hoặc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Qua trao đổi với nhiều chủ đầu tư thì hai phương án trên đều là hướng ra tích cực trong bối cảnh vướng đủ thứ như hiện nay. Dẫu vậy, để triển khai thực tế không hề đơn giản. Đối với những dự án vẫn theo đuổi mục tiêu triển khai nhà ở thương mại thì giải pháp đưa ra là doanh nghiệp buộc phải tham gia đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đấu thầu không đảm bảo doanh nghiệp đang triển khai dự án đó sẽ trúng thầu. Và rồi lại đi lại từ đầu cho câu chuyện thủ tục pháp lý lại tốn thêm nhiều năm. Với dự án đã có triển khai và huy động vốn thì càng nhiều vấn đề đau đầu hơn khi muốn xử lý theo hai phương án trên vì chi phí không hề nhỏ.

Để giải quyết ách tắc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đề nghị cần thiết bổ sung trở lại quy định cho phép tổ chức kinh tế được mua đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, với điều kiện được UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản. Sau khi mua đất nông nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn