MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án "đứng hình" nhiều năm vì thiếu đất ở theo quy định. Ảnh: Bảo Bảo

Hàng trăm dự án sẽ gặp khó vì không dễ đáp ứng điều kiện có đất ở

Bảo Chương LDO | 08/11/2023 16:55

TPHCM - Hiện có rất nhiều dự án nhà ở thương mại đang ách tắc, không thể triển khai nhiều năm qua do quy định phải có yếu tố "đất ở" trong dự án.

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trên địa bàn thành phố đang có 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chủ đầu tư một dự án trong số hơn 62 dự án nói trên cho biết, lúc bắt đầu lập chủ trương đầu tư dự án là vào cuối năm 2007. Đến nay, số lượng văn bản liên quan đến thủ tục đầu tư lên tới gần 700 văn bản mà vẫn không thể triển khai.

Cụ thể, có 3 vướng mắc chính khiến dự án “đứng hình” suốt 16 năm qua là do vướng đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là không có đất ở nên không đáp ứng cơ sở pháp lý để được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đất của dự án là do Công ty nhận chuyển nhượng của các cá nhân, tổ chức từ năm 2007 và đã thanh toán 100% cho các chủ đất. Trước đây, khu vực này là đất nông nghiệp nên không có đất ở.

Dự thảo Luật Đất đai tiếp tục quy định 2 phương thức để “lựa chọn nhà đầu tư” hoặc “công nhận nhà đầu tư” dự án có sử dụng đất. Phương án 1 là nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Phương án 2 là nhà đầu tư sử dụng đất để thực hiện dự án thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai.

Nhưng điều kiện đi kèm đó là chỉ cho phép “thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở” hoặc “phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác” nên có nội hàm “chật hẹp” hơn so với các quy định tại Luật Đất đai 2013 khi cho phép doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các loại đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, nội dung trên sẽ gây ách tắc các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ có quy mô lớn.

Bởi trên thực tiễn thì các dự án nhà ở thương mại “có 100% đất ở” chỉ chiếm khoảng 1% tổng số dự án nhà ở thương mại; số dự án “có đất ở và đất khác” chiếm đa số đến trên dưới 95% tổng số dự án nhà ở thương mại.

Còn số dự án có “đất khác không phải là đất ở” gồm các trường hợp chỉ có “đất nông nghiệp” hoặc chỉ có “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” chiếm trên dưới 5% tổng số dự án nhà ở thương mại và thường là các dự án có quy mô lớn hoặc rất lớn.

"Do đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị bổ sung quy định cho phép các nhà đầu tư “được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở”, bao gồm “đất nông nghiệp” hoặc “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” tương tự như các quy định tại Luật Đất đai 2013, để tạo điều kiện và “khuyến khích” phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn có thể lên đến hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn héc ta", ông Lê Hoàng Châu - nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn