MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng khách hàng bỏ cọc diễn ra ngày càng nhiều tại các phiên đấu giá đất. Ảnh Cao Nguyên.

Hết thời sốt nóng, đất đấu giá ngày càng ế ẩm

ANH HUY LDO | 26/10/2022 11:00
Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào trầm lắng. Không chỉ các loại hình đất nền, đất phân lô mà đất đấu giá ở các địa phương từng sốt nóng cũng rơi cảnh ế ẩm. Thực tế, đã không ít người trúng đấu giá đất phải bỏ cọc vì lướt sóng không thành.

Trong những năm gần đây, đất đấu giá đã được nhiều người đặc biệt là một số nhà đầu tư quan tâm. Bởi lẽ, chỉ cần bỏ tiền mua đất ở đây, trong thời gian ngắn nhà đầu tư cũng lãi tiền trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Với những lợi nhuận như vậy, phiên đấu giá đất ở các địa phương luôn trở nên sôi động, thu hút được lượng lớn nhà đầu tư quan tâm, tham gia.

Tuy nhiên, đến nay, khi thị trường BĐS chững lại, các phiên đấu giá cũng trở nên kém hấp dẫn hơn, thậm chí nhiều tỉnh có hiện tượng ế khách.

Đơn cử, mới đây, phiên đấu giá đấu giá 118 lô đất thuộc khu dân cư ở các xã Quang Châu, Việt Tiến và thị trấn Bích Động (Bắc Giang) có tới 32 lô đất không có khách hàng trả giá, chiếm 27% so với tổng số lô đất đem ra đấu giá.

Bên cạnh đó, tình trạng khách hàng sau khi trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính ngày càng nhiều. Theo bà Đặng Thị Hưng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam (Bắc Giang), qua rà soát trong số các lô đất trúng đấu giá đến nay có 59 lô đất thuộc các xã Quang Thịnh, Đại Lâm, Mỹ Hà, An Hà và thị trấn Vôi đến hạn nhưng khách hàng không nộp tiền và bỏ cọc.

Tại Hải Dương, tính từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 9, huyện Kim Thành đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất với tổng diện tích trên 6.400m2 tại vị trí quy hoạch dân cư mới thuộc các xã Phúc Thành, Kim Tân và Ngũ Phúc với tổng số tiền hủy gần 135 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại Hà Nội - địa phương có nhiều phiên đấu giá đất được nhà đầu tư trả cao gấp 5 lần so với giá khởi điểm thì từ tháng 8 vừa qua, các phiên đấu giá ở các huyện Mê Linh, Đông Anh không còn ghi nhận mức trả giá cao, có phiên đấu giá ế không có khách trả giá.

Đơn cử, cuối tháng 8, tại huyện Mê Linh, Hà Nội phiên đấu giá quyền sử dụng đất 19 thửa đất (đợt 2) tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh với giá khởi điểm được đưa ra dao động 27,1-39,2 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá, trong tổng số 15 hồ sơ đăng ký, 12 thửa đất được đưa ra đấu giá thành công.

Trước đó, ngày 8.8, 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đợt 1 với giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng/m2 đến 39,27 triệu đồng/m2 được đưa ra đấu giá thành công, thu tổng số tiền trúng đấu giá là gần 76 tỉ đồng.

Cũng tại Hà Nội, phiên đấu giá 27 thửa đất tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú, huyện Đông Anh có giá trúng đấu giá trả cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, tình trạng người đấu giá không đóng tiền dẫn tới phải hủy kết quả đấu giá cũng diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây tại nhiều địa phương.

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, tình trạng khách hàng bỏ cọc sau đấu giá diễn ra phổ biến gần đây do không có nhu cầu thực mà chỉ nhằm lướt sóng kiếm lời, hoặc thổi giá để bán những lô đất đã mua trước đó ở gần khu vực. Theo đó, khi thị trường chậm lại, không sang tay ngay được, họ sẽ sẵn sàng bỏ số tiền vài trăm triệu đồng tiền cọc mỗi lô đất.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngân hàng thắt chặt việc cấp tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có BĐS. Theo đó, thị trường BĐS mấy tháng trở lại đây đã hạ nhiệt, thanh khoản sụt giảm nhanh chóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn