MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với việc trồi sụt bất ổn của nhóm cổ phiếu bất động sản đang cảnh báo nhiều rủi ro từ việc phát hành trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu. Ảnh: B.Chương

Hiểm họa hiện hữu từ việc phát hành trái phiếu kiểu "tay không bắt giặc"

Gia Miêu LDO | 03/06/2022 15:31
Mặc dù tỷ lệ trái phiếu của ngành bất động sản có tài sản bảo đảm cao, nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm lại không được như vậy do đó độ rủi ro vẫn rất lớn.

Vốn trăm tỉ nhưng huy động hàng nghìn tỉ đồng

Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022, Bộ Tài chính đã liệt kê 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng giá trị phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021. Theo đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu của 20 đơn vị này năm ngoái đạt 100.054 tỉ đồng, chiếm hơn 49,8% tổng lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành của các doanh nghiệp bất động sản.

Dữ liệu cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong số này thuộc các Group lớn. Đơn cử nhóm liên hệ Sun Shine huy động 14.000 tỉ đồng với Công ty TNHH Đầu tư Big Gain, CTCP Sun Shine Homes, CTCP Sun Shine AM, CTCP Kinh doanh Nhà Sun Shine.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều đơn vị có tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục lần. Chẳng hạn như Osaka Garden, công ty này có vốn chủ sở hữu 270 tỉ đồng nhưng năm 2021 phát hành 7.700 tỉ đồng trái phiếu. Tính ra, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần. 

Rủi ro lớn với nhóm trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh, nhiều cổ phiếu giảm từ 40 – 60% giá so với mức đỉnh. Điều này đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp huy động vốn sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo.

Điển hình, gần đây Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thông báo Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) đã hoàn thành việc bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành vào cuối tháng 12.2021. Việc bổ sung tài sản đảm bảo diễn ra trong bối cảnh giá trị tài sản đảm bảo gốc bị suy giảm xuống dưới mức cho phép theo điều khoản và điều kiện của đợt phát hành trái phiếu.

Cụ thể, khi phát hành đợt trái phiếu trị giá 500 tỉ đồng, Phát Đạt đã sử dụng khoảng 10 triệu cổ phiếu PDR do ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt) sở hữu làm tài sản bảo đảm. Giá thị trường của cổ phiếu PDR khi đó dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu. 

Đến tháng 4, sau khi Phát Đạt chia cổ tức bằng cổ phiếu 36%, số cổ phiếu cầm cố tăng lên gần 15 triệu cổ phiếu và giá điều chỉnh về mức khoảng 70.000 đồng/ cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu PDR liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường xuống vùng giá quang mức 50.000 đồng/cổ phiếu những phiên gần đây. Sau khi bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR, tổng giá trị tài sản bảo đảm/ dư nợ trái phiếu đã tăng lên 183%. Nếu giá cổ phiếu PDR tiếp tục giảm khiến tỷ lệ này thấp hơn 180% thì Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm.

Trường hợp của Phát Đạt không phải là trường hợp doanh nghiệp duy nhất dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo để huy động trái phiếu. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư khối ngoại quỹ DG Investment phân tích, cổ phiếu doanh nghiệp phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều khi giá cổ phiếu trồi sụt, tăng nóng rồi giảm mạnh. Đương nhiên khi doanh nghiệp khó khăn, giá cổ phiếu sẽ đi xuống, giá trị tài sản đảm bảo sẽ sụt giảm. Nếu nhà đầu tư yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo chắc khó, vì lúc đó, doanh nghiệp chưa chắc đã có tài sản đảm bảo để bổ sung, hoặc hết cổ phiếu, hoặc hết tài sản cố định. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chào bán thì có 88,2% khối lượng phát hành là có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Tài sản đảm bảo này phần lớn là bất động sản, các chương trình, dự án hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu...Tuy nhiên theo đánh giá, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm cao, nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm lại không được như vậy. Bộ Tài chính đánh giá, trong trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản bảo đảm (dự án, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai...) có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn