MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồ thủy lợi bị xâm hại: "Oằn mình" gánh nhà hàng, resort

Nhóm phóng viên LDO | 19/09/2022 06:00

Biệt phủ, nhà hàng, thậm chí cả resort… đua nhau mọc lên, đâm thẳng ra các hồ thủy lợi. Thực trạng này đang tồn tại ở nhiều nơi nhưng cơ quan chức năng lại rất chậm trễ trong việc xử lý.

Lời tòa soạn: Trong những năm qua, nhiều hồ, đầm chứa nước ở Hà Nội như hồ Đồng Âm, hồ Miễu, hồ Đồng Sương… không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của dân cư trong vùng, mà còn tạo nên những vùng sinh thái có cảnh quan đẹp, biến khu vực đó thành những khu nghỉ dưỡng, du lịch.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều hồ thủy lợi, đầm nước từng ngày bị "xẻ thịt" trong quá trình xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng, homestay, nhà ở.

Điều này khiến cho các hồ điều hòa, hồ thuỷ lợi có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp, khiến Hà Nội cứ mưa là ngập lụt. Đồng thời, các giá trị sinh thái, môi trường cũng bị tác động tiêu cực và sự phát triển kinh tế - xã hội đang đi xa rời mục tiêu bền vững. Hậu quả nhãn tiền của việc "bức tử" hồ, đầm nước đã thấy, thế nhưng chính quyền địa phương dường như chậm trễ trong phát hiện và xử lý các vi phạm xảy ra.

Trong nhiều ngày tìm hiểu, Báo Lao Động phát hiện nhiều công trình xây dựng có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng hành lang an toàn hồ thuỷ lợi.

Đua nhau lấn chiếm hồ

This browser does not support the video element.

Phóng sự ghi nhận hồ thủy lợi bị “xẻ thịt“, oằn mình“gánh những công trình xây dựng khối lượng lớn.

Có mặt tại hồ Miễu (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), nhóm phóng viên chứng kiến một công trình có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng hành lang an toàn hồ thuỷ lợi.  

Ghi nhận của Lao Động, cổng vào công trình này có độ cao 4 - 5m xây dựng bằng đá ong kiên cố, kết hợp với kính cường lực. Tường bao có độ dài lên tới hàng chục mét. Thế nhưng, đi vòng ra đằng sau tổ hợp công trình, chúng tôi ghi nhận nhiều cọc bê tông, cọc sắt "đâm thẳng" xuống hồ. Phía trên cọc, phần diện tích nhô ra mặt hồ được kê hàng chục bộ bàn ghế làm nhà hàng.

Lại gần công trình phía mép hồ, quan sát phần chân cọc bê tông, chúng tôi phát hiện có nhiều ống nước thải xả thẳng xuống hồ.

Được biết, tổ hợp công trình này được giới thiệu là mô hình nghỉ dưỡng homestay. Quy mô của công trình gồm 9 phòng ngủ trong đó 5 phòng ngủ to, 3 phòng ngủ nhỏ, 1 phòng ngủ tập thể. Giá mỗi phòng dao động từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Đi cùng với dịch vụ thuê phòng, khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ như ăn uống, karaoke, chèo thuyền kayak… các hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Hàng loạt công trình xây dựng ven hồ Miễu (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).

Không chỉ có tổ hợp nghỉ dưỡng homestay, xung quanh hồ Miễu, phóng viên ghi nhận hàng chục căn "biệt phủ" quây kín mặt hồ. Được biết, hồ Miễu là hồ thủy lợi cỡ vừa với sức chứa 2,5 triệu m2, chiều cao đập chính là 8m, chiều dài đập chính là 400m.

Về việc phát hiện, xử lý vi phạm tại hồ Miễu, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy cho biết, đối với hồ Miễu, đơn vị này mới ghi nhận 3 trường hợp vi phạm, trong đó, 2 vụ vi phạm từ năm 2010 và một vụ mới ghi nhận từ tháng 8.2022 ở hạ lưu đê Hồ Miễu xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.

Đối với tổ hợp nhà nghỉ dưỡng mà Báo Lao Động phản ánh, ông Tuấn cho biết sẽ kiểm tra và thông tin lại.

Nhiều hồ bị xâm hại

Không riêng hồ Miễu, nhiều hồ thủy lợi lớn nhỏ ở Hà Nội bị xâm hại không thương tiếc. Tại huyện Chương Mỹ có 2 hồ thủy lợi lớn là hồ Văn Sơn, thuộc địa phận xã Tân Tiến với sức chứa 7 triệu m3, chiều cao đập chính 8,5m, chiều dài đập chính là 1.500m. Hồ thứ hai là hồ Đồng Sương, xã Trần Phú với sức chứa 10,5 triệu m3, chiều cao đập chính 9,5m, chiều dài đập chính là 3.150m.

Nhiều công trình nhà ở, nghỉ dưỡng xây dựng bên hồ Đồng Sương.

Trong vai một khách hàng tìm mua đất để nghỉ dưỡng cuối tuần, chúng tôi được người đàn ông tên M (người môi giới) dẫn đi xem đất vòng quanh hồ Đồng Sương.

Người này cho biết, hồ Đồng Sương trước đây khá rộng, nhưng một số doanh nghiệp đã chia hồ để nuôi cá, rồi một số hộ đổ đất lấn hồ, cho nên diện tích mặt hồ đã nhỏ dần đi. "Hầu như nhà nào có đất ven hồ ở đây cũng lấn ra một chút", ông M cho hay.

Thậm chí ông M còn "mách" chúng tôi cách xây dựng lấn xuống lòng hồ. "Nếu muốn đóng cọc xây dựng xuống mặt nước phải hỏi bên quản lý hồ. Nhưng việc này dễ thôi, quan trọng là có tiền", ông M nói, đồng thời nhẩm tính để đóng vài cái cọc xây dựng chòi xuống hồ, mất khoảng vài chục triệu đồng cho bên quản lý.

Theo lời ông M, trong khu vực hồ Đồng Sương còn có cả một tổ hợp nghỉ dưỡng rộng gần 2ha xây dựng trên đất nông trường Lương Mỹ. Công trình này cũng có nhiều phần xây dựng "cắm" thẳng xuống lòng hồ Đồng Sương.

Hình ảnh PV Lao Động ghi nhận tại hồ Đồng Sương.

Cung cấp thông tin cho Báo Lao Động, ông Trần Anh Tuấn cho biết, đơn vị này từng ghi nhận hồ Đồng Sương có 5 trường hợp vi phạm. Còn hồ Văn Sơn có 15 trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp mà Báo Lao Động mới ghi nhận, đơn vị sẽ kiểm tra rà soát và thông tin trong thời gian sớm nhất.

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai có 2 hồ thủy lợi có dấu hiệu bị xâm hại.

Đó là hồ Lập Thành (người dân địa phương gọi là hồ Cửa Khâu) có sức chứa 0,5 triệu m3, chiều cao đập chính 10,4m, chiều dài đập chính là 100m. Thứ hai là hồ Đồng Âm, có sức chứa 0,27 triệu m3, chiều cao đập chính 6,5m, chiều dài đập chính là 100m. Đặc biệt, đang có những "cơn sốt đất" khi nhiều "đại gia" đổ về đây "săn đất", không chỉ đẩy giá lên cao ngất ngưởng mà các hồ thủy lợi tại đây đang có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn