MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồ thủy lợi bị xâm hại: Vấn đề rất nghiêm trọng

Nhóm Phóng viên LDO | 23/09/2022 10:24

Xoay quanh loạt bài hồ thủy lợi bị xâm hại, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi làm việc với Hội Thủy lợi Việt Nam. Theo đó, Hội Thủy lợi khẳng định vấn đề này rất nghiêm trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.

Các hồ thủy lợi đang gặp nguy hiểm

Thời gian qua hàng loạt nhà hàng, resort, biệt phủ xâm hại hồ thủy lợi. Tiêu biểu như tại các hồ Đồng Âm, hồ Cửa Khâu (huyện Quốc Oai); hồ Miễu, hồ Đồng Sương, hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ), các công trình vi phạm thi nhau lấn lòng hồ.

Hồ Miễu, huyện Chương Mỹ phải cõng nhiều nhà hàng, resort.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Hà Xuân Quang, Chánh Văn phòng Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, khi quy hoạch, thiết kế  xây dựng, hồ thủy lợi phải đảm bảo đầy đủ các hạng mục như đập thủy lợi, cống lấy nước, kênh dẫn nước, tràn thoát lũ… Thế nhưng, các công trình nhà cửa, nhà hàng, resort mọc lên trái phép đã bịt kín các lối thoát nước hồ thủy lợi.

Ông Quang phân tích, khi thiết kế, để đảm bảo nhiệm vụ công trình, mỗi hồ thủy lợi đều có dung tích, với mực nước nhất định. Thế nhưng, khi các hồ này buộc phải cõng hàng loạt các công trình xâm lấn sẽ khiến cho diện tích lòng hồ nhỏ đi, dẫn đến hạ mực nước dâng của hồ. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm. Bởi khi đó, công trình sẽ không đảm bảo theo tính toán, nước sẽ tràn ra phá hủy các hạng mục công trình thủy lợi như vỡ đập, hỏng cống, xói tràn bờ… Từ đó dẫn đến tình trạng ngập lụt.

Hơn nữa, các công trình xâm hại hồ thủy lợi ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tưới tiêu, lợi dụng tổng hợp của hồ thủy lợi. Tình trạng xả thải, vất giấy rác tràn lan làm cho chất lượng nước bị suy thoái nghiêm trọng. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, hiện nay nhiều hồ thủy lợi không đáp ứng được hiệu suất tưới tiêu theo thiết kế.

Công trình biệt phủ tại hồ Đồng Âm (Quốc Oai).

Ông Quang tỏ ra bức xúc trước tình trạng một số công trình như nhà nghỉ dưỡng, du lịch… ngang nhiên được hưởng rất nhiều lợi ích từ hồ thủy lợi mang lại, nhưng những công trình này lại không đóng góp gì nhiều cho Nhà nước cũng như người dân trực tiếp bị ảnh hưởng. 

Cần di dời công trình vi phạm

Trao đổi về vấn đề xử lý các công trình vi phạm, ông Hà Xuân Quang cho biết: “Để giải quyết vấn đề này pháp luật đã quy định những chế tài nghiêm khắc. Tiêu biểu như, Nghị định 03/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Hay trong Bộ Luật Hình sự đã có quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238 Bộ Luật Hình sự 2015).

Công trình homestay tại hồ Đồng Sương, Chương Mỹ.

Đặc biệt, ngày 23.6.2022 mới đây, Bộ Chính trị có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn kiện vô cùng quan trọng đối với ngành thủy lợi. Điều này cho thấy lãnh đạo Đảng rất quan tâm tới vấn đề an toàn hồ chứa nước nói chung, hồ thủy lợi nói riêng.

Trong kết luận số 36-KL/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.

Thế nhưng hiện nay, một số địa phương vẫn chưa thật sự nhận thức đúng tầm quan trọng an toàn hồ đập, trong đó có hồ thủy lợi.

Tiêu biểu một số hồ thủy lợi trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang giao cho một số công ty quản lý khai thác kiêm luôn vấn đề phát hiện vi phạm. Nhưng với vai trò chức năng của mình, các công ty này không đủ thẩm quyền để xử phạt dẫn đến chậm trễ trong quá trình khắc phục hậu quả, khiến sự việc phức tạp kéo dài.

Trong khi các công ty quản lý khai thác chưa phát huy hết vai trò của mình thì các cơ quan quản lý nhà nước như Phòng nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi các địa phương lại chưa vào cuộc một cách đúng mức.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề xâm hại hồ thủy lợi đảm bảo an toàn hồ đập thì một mình ngành thủy lợi không thể làm được. Vấn đề này cần có sự chung tay góp sức của các cấp ngành và người dân vùng dự án, bởi liên quan đến nhiều lĩnh vực từ đất đai, xây dựng, môi trường… Do đó, các lực lượng chức năng, nhất là chính quyền cơ sở cần phải tích cực, quyết liệt hơn trong việc xử lý các công trình xâm phạm hồ thủy lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn