MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản tại Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: Cao Nguyên

Hớ to, nếu vội mua nhà rao bán “cắt lỗ”

Cao Nguyên LDO | 08/09/2021 06:45

Dựa vào thời điểm dịch giã, nhiều người rao bán bất động sản (BĐS) với giá “cắt lỗ” đến gần nửa tỉ đồng. Thực chất, đây là những chiêu trò, thủ đoạn của những chủ nhà đất và môi giới BĐS. Thực tế, theo các chuyên gia, với người Việt Nam, BĐS là một sản phẩm giá trị nên khó có chuyện bán tháo như vậy nên khách mua nhà cần tìm hiểu kỹ tránh tin vào thông tin “cắt lỗ” mà dễ bị mua hớ.

“Cắt lỗ” gần nửa tỉ 

Khảo sát qua nhiều trang mạng mua bán BĐS, PV Lao Động nhìn thấy các thông tin rao bán căn hộ “cắt lỗ” căn hộ chung cư, “bán tháo” đất nền, bán lỗ đất mùa dịch... Đơn cử như một căn hộ tại dự án An Bình City với diện tích 112m2, nội thất liền tường, 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, view hồ trên đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang được chủ nhân chào bán “cắt lỗ” 400-500 triệu đồng, còn hơn 4 tỉ đồng.

Trong vai người mua nhà, PV liên hệ với người rao bán tên Hiếu. Người này cho biết với giá trị căn hộ bây giờ ở quanh khu vực Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng thì nếu trên 100m2 và 3 phòng ngủ thì rất khó tìm được giá dưới 4 tỉ đồng. “Do gia đình đang có việc nên phải rao bán “cắt lỗ” chứ cách đây 1 năm giá đã cao hơn so với giá tôi đang rao bán bây giờ” - ông này nhấn mạnh.

Cũng với hình thức rao bán “cắt lỗ”, căn hộ tầng 21 có diện tích 73,8m2, 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, nằm trong dự án trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được rao bán với giá gần 2,9 tỉ đồng.

Theo chia sẻ anh T, anh là một trong những nhà đầu tư cá nhân, chuyên “săn” các căn hộ chung cư, mua vào từ khi đào móng và bán ra khi dự án cơ bản hoàn thiện hạ tầng. Bình thường, mỗi căn hộ đều có lãi từ 10 - 30%. Nếu không vì dịch COVID-19, anh phải bán giá tầm 3,2 - 3,4 tỉ đồng. Song khi tìm kiếm các thông tin rao bán liên quan, PV nhận thấy một số căn hộ có cùng diện tích và ở cùng các dự án cũng đang được rao bán với giá tương đương mà không hề có chuyện cắt lỗ. 

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho biết, cắt lỗ, bán tháo là một trong những chiêu bài quảng cáo mà những người muốn bán nhà đất sử dụng để “câu view”, thu hút sự chú ý của người mua. Theo ông Điệp, đây không chỉ là “bài” của dân môi giới mà với nhiều chính chủ, họ cũng sử dụng cách này. Chỉ cần một cuộc gọi, ngay sau đó sẽ thấy giá thực tế khác xa giá rao. Thậm chí, có trường hợp giá rao khớp với giá bán, nhưng khảo sát thực tế lại không hề rẻ hơn chút nào.

Không có làn sóng “bán tháo” thực sự

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Công ty Nhà ở ngay Việt Nam khẳng định, thông tin “cắt lỗ” là hoàn toàn phi lý. Theo ông Huy, so với những ngày cuối năm 2020, hiện nay giá vật liệu xây dựng đã tăng 20 - 50%, chưa nói đến giá nhân công, tiền sử dụng đất tăng cùng với tâm lý sở hữu nhà trong mùa dịch... Chi phí đầu vào tăng buộc chủ đầu tư dự án phải tăng giá bán, vô hình chung đẩy giá thị trường tăng, thiết lập một mặt bằng giá mới.

Trong khi đó, chuyên gia BĐS Phan Công Chánh khẳng định, làn sóng bán tháo BĐS chưa xảy ra, ít nhất là đến cuối năm nay, bởi một loạt lý do như: Với người Việt, BĐS là một tài sản lớn. Có rất nhiều người dành dụm hàng chục năm mới có và họ không dễ gì buông bỏ, trừ một số ít nhà đầu tư mua đi bán lại, theo hình thức “lướt sóng”. Họ sẽ vay bạn bè, người thân để trả lãi. Trừ trường hợp quá cấp bách, họ sẽ không bán tài sản đã mất rất nhiều thời gian để tích lũy, dành dụm.

Chia sẻ về thời điểm thích hợp để xuống tiền mua bán BĐS, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, không ít người mua và người bán đang chờ đến tháng 10, thời điểm có thể sẽ nới lỏng giãn cách xã hội nếu kiểm soát được dịch tại một số tỉnh. Đây cũng là thời điểm mà nhiều công ty BĐS dự báo sẽ có đợt thanh khoản “bùng” lên, do những nhà đầu tư sẵn tiền mặt bắt đầu “bắt đáy” thị trường.

Báo cáo thị trường BĐS quý II của Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM trong quý II vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý trước. Bộ Xây dựng nhận định, với thị trường nhà ở, thị trường trong quý II cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020. 

Bộ Xây dựng nhận định trong báo cáo quý II. "Dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường BĐS tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn