MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều toà nhà tại Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn để bỏ hoang. Ảnh: Hải Nguyễn

Hoá giải tình trạng ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp nghìn tỉ bỏ hoang

Vương Trần LDO | 13/06/2023 16:51

Sau nhiều năm xây dựng, khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn để lãng phí, nhiều tòa nhà bỏ hoang. Các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp "hoá giải" tình trạng này để tránh lãng phí cho xã hội.

Lãng phí nguồn lực gần 2000 tỉ

Dự kiến, sau hàng chục năm bỏ hoang, dự án ký túc xá với vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, sẽ được Hà Nội dành gần 224 tỉ đồng để cải tạo chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê. 

Đây là một trong những điểm mới trong Kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2025 với mục tiêu phát triển 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với nguồn vốn khoảng 12.500 tỉ đồng của thành phố Hà Nội.

Chuyển đổi công năng của ký túc xá bỏ hoang thành nhà ở xã hội nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt, sau hơn 10 năm, khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn chưa khai thác hết công năng, nhiều tòa nhà bỏ hoang.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng, cần phải làm ngay việc chuyển đổi công năng của khu ký túc xá này thành nhà ở xã hội cho thuê để tránh lãng phí.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. Ảnh: T.Vương

Theo ông Điệp, một khu ký túc xá gồm 5-6 toà nhà cao tầng mà để lãng phí hàng chục năm là một cách lãng phí ghê gớm.

"Nếu tài sản đó là tiền, hàng chục năm qua được khai thác tốt, sẽ biến thành rất nhiều tiền, nhưng do khai thác không hợp lý nên đã để lãng phí nguồn lực xã hội" - ông Điệp phân tích.

Nhấn mạnh, đây là một sự lãng phí cực lớn cho xã hội, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần phải vào cuộc giải quyết ngay.

Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, trước tình trạng lãng phí như trên, trách nhiệm của chính quyền địa phương phải vào cuộc, gỡ các nút thắt về cơ chế để khai thác có hiệu quả hơn khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, biến tài sản này thành của cải, vật chất chứ không để lãng phí, bỏ hoang như thực tế đang diễn ra.

“Một nguồn lực vài nghìn tỉ mà bỏ hoang như vậy là quá lãng phí. Tôi cho rằng, cần phải hoá giải tình trạng này ngay” - ông Điệp nhấn mạnh.

Đồng bộ hạ tầng, tiện ích đi kèm

Cùng trao đổi, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội - cho rằng, sau hơn 10 năm, chỉ có 2 trong số 6 tòa nhà cao tầng có sinh viên thuê ở. Điều này cho thấy, việc khai thác ký túc xá này chưa hiệu quả, gây lãng phí.

“Các tòa nhà bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi nguồn lực của thành phố thì hạn hẹp, nhu cầu của sinh viên về ký túc xá rất lớn nhưng nơi cần thì không có, nơi có thì lại trở thành vô nghĩa như vậy” - ông Ánh nói.

Nhiều tòa nhà ở khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn để bỏ hoang. Ảnh: Hải Nguyễn

Cho rằng, tìm cách hoá giải tình trạng lãng phí đang diễn ra tại ký túc xá nghìn tỉ bỏ hoang này là điều nên làm, song ông Trần Huy Ánh lưu ý, cần phải tính toán tới quy trình chuyển đổi công năng, tính toán việc vận hành, quản trị công trình sao cho hợp lý.

Theo ông Ánh, việc chuyển đổi công năng ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội phải tính đến rất nhiều yếu tố phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những tiện ích điện, đường, trường, trạm đi kèm.

“Cùng với việc đồng bộ hạ tầng nói trên thì chúng ta cần nghĩ tới mô hình quản trị phù hợp, đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo xã hội, tiết kiệm ngân sách nhà nước và để tránh lãng phí cần có giải pháp phù hợp” - ông Ánh nêu quan điểm.

Việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành các căn hộ khép kín, tiện nghi sẽ là bài toán không dễ với các nhà quản lý, nhưng nếu chuyển đổi được thì sẽ khai thác hiệu quả hơn công trình này, tránh lãng phí những toà nhà nghìn tỉ ở Thủ đô - ông Ánh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn