MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các chuyên gia doanh nghiệp nước ngoài đầu tư bất động sản đặc biệt quan tâm đến sự minh bạch của quy định pháp luật, đặc biệt về thuế. Ảnh Phan Anh

“Hoá giải” xung đột của pháp luật, mở đường cho bất động sản

Tuyết Lan LDO | 14/07/2023 09:33

Theo các chuyên gia, để thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và phát triển vào năm 2024, cần khơi thông vướng mắc về pháp lý và tín dụng. Đặc biệt cần “hoá giải” sự xung đột, chồng chéo của 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS).

Hiện nay, Quốc hội đang cho xây dựng nhiều luật sửa đổi có liên quan đến phát triển thị trường bất động sản, cụ thể là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. Nhìn tổng thể, giữa 3 luật này luôn xảy ra tình trạng chồng chéo với nhau tạo nên các khoảng xung đột pháp luật gây “nghẽn đường” phát triển thị trường BĐS.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - khẳng định, xung đột pháp luật đang là một “vấn nạn” hiện nay trong quá trình xây dựng pháp luật. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân chính làm cho các cán bộ có thẩm quyền không dám hạ bút ký các dự án đầu tư hay các công văn hướng dẫn thi hành pháp luật.

“Giải pháp “một luật sửa nhiều luật” không phải là giải pháp hợp lý vì sự phát triển càng mạnh thì sự rắc rối pháp luật càng nhiều. Quan trọng phải tìm ra nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng xung đột pháp luật. Chỉ khi loại bỏ nguyên nhân này mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Đồng thời cần rà soát lại để xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai sửa đổi để tránh xung đột về sử dụng đất giữa Luật Đất đai với các luật chuyên ngành khác” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định.

Dòng vốn chưa khơi thông

Các chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nước ta chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của thị trường bất động sản.

TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhận định ngoài vướng mắc về chính sách pháp lý, thị trường bất động sản Việt Nam còn gặp khó khăn về dòng vốn, tín dụng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn khó khăn. Chủ yếu do ba vấn đề: mức lãi suất cao, pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản thị trường (lãi suất 11 - 12%/năm).

TS Nguyễn Văn Khôi cho rằng, để khôi phục và phát triển thị trường bất động sản, chính quyền địa phương cần khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đúng quy định pháp luật.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, buộc phải bán bớt một phần tài sản hay một vài dự án để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật. Đồng thời cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên vào phân khúc phù hợp nhu cầu đại đa số người dân. Giá thành cần được xác định lại để hạ giá bán hợp lý trên thị trường” - TS Nguyễn Văn Khôi đưa ra giải pháp.

Làm thế nào để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài?

Phân tích về dòng vốn FDI, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT - cho rằng, bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả. Để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, Việt Nam cần tập trung giải quyết 5 vấn đề chính.

“Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản. Thứ hai, chủ động thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững.

Thứ ba, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Thứ tư, hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai. Tránh thị trường bất động sản chỗ nóng, chỗ lạnh” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn