MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án du lịch ở Mỹ Khê, TP Quảng Ngãi vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Ngọc Viên

Hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn nằm đắp chiếu chờ tháo gỡ

CAO NGUYÊN LDO | 20/10/2023 11:21

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại Việt Nam có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 các căn villa biệt thự, 15.000 căn khách sạn mới. Tuy nhiên, vẫn có hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn đang nằm đắp chiếu chờ tháo gỡ.

Một số chuyên gia cho rằng, để tạo động lực cho ngành du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó không thể thiếu những cơ chế chính sách phù hợp được bổ sung, điều chỉnh tại Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để nâng tầm du lịch. Trong đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo ông Lực, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Về thực trạng hạ tầng du lịch của Việt Nam, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta đang ở mức trung bình so với các nước được khảo sát về hạ tầng lưu trú bao gồm cả nhà hàng, khách sạn, resort, an toàn an ninh kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tại Việt Nam có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 các căn villa biệt thự, 15.000 căn khách sạn mới.

“Nếu như tới năm 2030 chúng ta trở thành cường quốc du lịch, với 160 triệu lượt khách trong nước, 50-70 triệu khách quốc tế thì để đảm bảo hạ tầng lưu trú phải có khoảng 500.000 căn phòng, hơn nữa, du lịch cao cấp gần như không có”, ông Đính nói và cho biết, Việt Nam mới đạt được 1/3 hệ thống hạ tầng để có thể đáp ứng được và chất lượng chưa cao.

Vì vậy, theo ông Đính phải tạo điều kiện cho các nhà phát triển bất động sản du lịch. Luật Đất đai chưa nhắc tới tên các nhà phát triển bất động sản du lịch, nhóm đối tượng này thiếu vắng từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư… Điều này khiến không thúc đẩy được nhóm đối tượng này, nên khó có thể đạt được mục tiêu…

Ngoài ra, theo ông Đính, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn đang nằm đắp chiếu chờ sự tháo gỡ của pháp luật.

Nếu tiếp tục tình trạng này thì sẽ không khuyến khích đầu tư du lịch, làm nản lòng nhà đầu tư, ngay cả chính quyền địa phương muốn thúc đẩy đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Xuân Lượng - Chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần tiêu chí, tiêu chuẩn cho loại hình bất động sản du lịch. Hầu hết loại hình bất động sản nói chung đều có thể khai thác du lịch.

“Chúng ta đang có 28 triệu ha đất nông nghiệp bỏ ngỏ có khả năng làm du lịch… Nếu có thể bổ sung gần như tất cả loại hình bất động sản du lịch thì chúng ta sẽ làm tăng giá trị sử dụng đất, chúng ta có thể khai thác được 70-80% lực lượng lao động”, Tiến sĩ Lượng nói.

Bên cạnh đó, cần có hoạt động đào tạo, hợp tác, liên kết vùng… quy hoạch được bản đồ du lịch quốc gia cho tất cả loại hình quy hoạch đất đai…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn