MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Alibaba hung hăng chống đối và đập phá phương tiện của đoàn cưỡng chế vào tháng 6.2019 tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (ảnh cắt từ clip).

Hơn 40 dự án "ma" của địa ốc Alibaba sao dễ "chui lọt lỗ kim"!

Thế Lâm LDO | 03/10/2019 09:37

Trong cuộc họp báo thường kì của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng – cho rằng các dự án “ma” của địa ốc Alibaba vi phạm tất cả các qui định về đất đai, đầu tư, xây dựng và qui hoạch đô thị.

Việc bán “đất nền” của địa ốc Alibaba thậm chí còn trái với các qui định chuyển nhượng và quảng cáo bất động sản.

Thành lập từ năm 2016, địa ốc Alibaba trong vài năm qua đã thu gom được trên 600ha đất nông nghiệp để rồi từ đó tự vẽ ra thành dự án đất thổ cư phân lô bán nền theo phương thức đa cấp.

Hơn 40 dự án “ma” của địa ốc Alibaba phân tán ở các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… để làm hạ tầng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật không thể nói là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không biết.

Bằng chứng là, ngày 13.6, UBND xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) đã thành lập đoàn tiến hành cưỡng chế khu đất được địa ốc Alibaba quảng cáo, rao bán trên mạng là “Alibaba Tân Thành Center City 5”. Tuy nhiên, đoàn đã gặp phải sự chống cự của hàng chục người  mặc đồng phục đỏ và đen có chữ “địa ốc Alibaba” và “an ninh Alibaba”. Thậm chí, một số đối tượng còn chống đối và đập phá xe của đoàn cưỡng chế.

Tuy nhiên trong hơn 40 dự án “ma” của địa ốc Alibaba, rất ít số dự án bị cưỡng chế vì sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Trên thực tế, hầu hết trong số hàng chục dự án “ma” của Alibaba dù sai phạm nhưng đã bán ra trót lọt cho hơn 6.700 khách hàng và thu về đến 2.500 tỉ đồng. Những lần mở bán dự án “ma” của địa ốc Alibaba cũng được tổ chức công khai, thậm chí rầm rộ và thu hút hàng trăm người tham gia mỗi cuộc, thế mà vẫn có thể “chui lọt lỗ kim”.

Để xảy ra một đại án kinh doanh địa ốc đa cấp lừa đảo như Alibaba không thể không có trách nhiệm về mặt quản lí. Theo vị  cục trưởng, trách nhiệm chính thuộc về địa phương với chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra dự án, xử lí vi phạm, đình chỉ chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trách nhiệm cụ thể  thuộc về ai, cơ quan hay đơn vị nào, thì vẫn còn là câu hỏi chưa có trả lời.

Khám xét và thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (ảnh:LĐO).

“Tai vách mạch rừng”, các dự án “ma” của địa ốc Alibaba thu hút đến hàng ngàn người tham gia mua bán, chuyển nhượng thì đâu dễ gì bưng bít được hết các thông tin. Huống hồ, địa ốc Alibaba dường như “coi trời bằng vung”, thực hiện trái phép và lừa lọc hết dự án này tới dự án khác, và còn tung quân chống đối khi bị chính quyền cấp xã tiến hành cưỡng chế.

Không ít đối tượng là nhân viên của địa ốc Alibaba thể hiện sự dữ dằn, hung tợn, sẵn sàng hành hung khách hàng khi va chạm. Địa ốc Alibaba đã dùng tiền và lợi ích để lôi kéo, dung nạp không ít người nhằm bảo vệ những người cầm đầu của công ty này.

Đã có nhiều ý kiến phân tích cho rằng, hàng ngàn người lao vào địa ốc Alibaba hòng kiếm lời là vì lòng tham mà tin tưởng mù quáng thành ra “giao trứng cho ác”. Song mặt khác, nhìn từ vụ án địa ốc Alibaba còn thấy rằng tinh thần cảnh giác cũng như ý thức tố giác sai phạm chưa cao. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng hơn 40 dự án địa ốc “ma” của Alibaba “chui lọt lỗ kim”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn