MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 4,4 tỉ USD vốn ngoại đổ về thị trường bất động sản

THANH DÂN LDO | 28/12/2022 12:30

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28 tỉ USD trong năm 2022, giảm 11% so với năm 2021. Trong bối cảnh đó, ngành bất động sản trở thành điểm sáng hiếm hoi khi tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 4,45 tỉ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 1,8 tỉ USD so với cùng kỳ.

Nguồn vốn FDI đang tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Anh Tú 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.12, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 27,72 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 4,45 tỉ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn ngoại đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng thêm 1,8 tỉ USD.

Số liệu cập nhật Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết thêm, trong năm 2022 đã có 75 dự án được cấp mới, với số vốn cấp mới hơn 1,8 tỉ USD, 37 dự án điều chỉnh với số vốn góp điều chỉnh hơn 1 tỉ USD, 103 số lượng vốn góp mua cổ phần có giá trị vốn góp mua cổ phần xấp xỉ 1,6 tỉ USD...

Trong đó, ngay đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nổi bật là khoản đầu tư khoảng 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”.

Bên cạnh đó, tập đoàn YSL (Hàn Quốc) cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dự án được xây dựng theo định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Ngoài ra, thị trường M&A bất động sản cũng ghi nhận nhiều thương vụ lớn. Đơn cử như đối với lĩnh vực cao ốc văn phòng, CapitaLand Development đã chuyển nhượng thành công tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place thuộc khu vực trung tâm Hà Nội với giá 550 triệu USD, xác lập kỷ lục mới về giá trị giao dịch tòa nhà văn phòng tại thị trường Hà Nội.

Tại phân khúc nhà ở, Keppel Land đã ký thỏa thuận mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại Hoài Đức, Hà Nội của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long với tổng giá trị khoảng 119 triệu USD, để phát triển dự án nhà ở bao gồm 1.020 căn chung cư và 240 căn thấp tầng.

Chia sẻ với Lao Động về câu chuyện dòng vốn FDI đổ vào ngành bất động sản vẫn tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng trong năm vừa qua, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam - nhận định, nhìn tổng quát trong những năm qua, lĩnh vực bất động sản Việt Nam nói riêng và thị trường kinh tế nói chung đang phát triển mạnh mẽ, còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh nội tại bị áp chế vì tín dụng bị thắt lại, khiến thị trường bất động sản có nhiều khó khăn.

“Thị trường nội tại khó khăn, giá đang hạ so với thời gian trước đó, nhiều nhu cầu M&A... Không chỉ năm nay mà sang năm 2023, lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn ngoại dồi dào”, ông Điệp nhấn mạnh.

Mặc dù cơ hội, dư địa để thu hút vốn FDI là rất lớn, nhưng không ít những khó khăn và thách thức, ông Điệp nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam như cậu bé đang lớn, luôn luôn phải thay đổi. Do vậy, chính sách về lĩnh vực bất động sản cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển trong tương lai.

Tương tự, Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói, vốn FDI ngày càng tăng cho thấy sự tin tưởng vào nền kinh tế của nước ta rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh quá trình hoàn thiện củng cố điều kiện trong nước thì cũng nên chọn lọc các nhà đầu tư có uy tín, chọn lọc kỹ càng và đảm bảo.

“Việc lựa chọn này có thể thực hiện được thông qua công tác thẩm định nhà đầu tư nước ngoài về khả năng tài chính, tổng vốn đầu tư, các dự án đã thực hiện, uy tín doanh nghiệp trên thị trường và tiêu chí đầu tư của họ…” - ông Thịnh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn