MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 94.000 tỉ đồng trái phiếu chậm trả, rủi ro dồn về ngân hàng

Đức Mạnh LDO | 06/04/2023 07:18
Ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì rủi ro chéo từ trái phiếu tới các khoản vay tín dụng của lĩnh vực bất động sản. Nếu một doanh nghiệp chậm trả lô trái phiếu và tiềm ẩn rủi ro gián đoạn thanh khoản, khả năng toàn bộ khoản vay ngân hàng của họ bị nhảy nhóm là rất lớn.

Bất động sản dẫn đầu danh sách chậm trả

Theo thống kê từ FiinRatings, đến ngày 17.3.2023 có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ. Tổng giá trị đạt 94.430 tỉ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong đó ngành bất động sản dẫn đầu khi chiếm 83,6% giá trị với 43 tổ chức phát hành chậm trả. Ngành bất động sản cũng có tỉ lệ nợ xấu ở mức cao với 20,17% tính theo giá trị trái phiếu chậm trả trên tổng giá trị trái phiếu lưu hành 396.000 tỉ đồng của ngành.

Các chuyên gia tài chính cho rằng tỉ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn 107.500 tỉ sẽ đáo hạn trong năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

 Tình hình sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại.      Ảnh: FiinRatings
 

Rủi ro chéo dồn về ngân hàng

Ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do rủi ro chéo từ trái phiếu doanh nghiệp tới các khoản vay tín dụng của lĩnh vực bất động sản. Nếu một doanh nghiệp chậm trả lô trái phiếu và cho thấy rủi ro gián đoạn thanh khoản, khả năng toàn bộ khoản vay ngân hàng của họ bị nhảy nhóm là rất lớn. Lý do là phần vốn này chủ yếu vẫn tồn đọng ở các dự án dở dang hoặc chậm bàn giao.

Tuy nhiên, nguy cơ nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Một số ngân hàng có tỉ lệ cho vay bất động sản chiếm trọng số có thể chứng kiến tỉ lệ NPL gia tăng mạnh hơn từ nhóm ngành này nếu tình trạng chậm trả vẫn tiếp diễn trên thị trường.

Theo chuyên gia từ FiinRatings, với tình hình chậm trả nghĩa vụ nợ trái phiếu như hiện nay, áp lực rủi ro nợ xấu trong ngắn hạn sẽ đến từ phần tín dụng bất động sản cho chủ đầu tư với số dư tín dụng ở mức 807.000 tỉ đồng, chiếm 6,63% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Nợ xấu ngân hàng sẽ đến từ khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ tín dụng của các doanh nghiệp đã chậm trả nghĩa vụ nợ trái phiếu và các trường hợp chậm trả khác có thể diễn ra trong tương lai.

Đồng thời, dự thảo sửa đổi Thông tư số 16 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đang là tâm điểm chú ý trên thị trường. Có ý kiến cho rằng, việc cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu được ví như “chuyển lửa” từ tay trái sang tay phải, rủi ro chuyển về ngân hàng.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch của PwC Việt Nam - cho biết, việc kiểm soát rủi ro phải làm ngay từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Có nghĩa là cần đặt ra điều kiện tiêu chuẩn minh bạch thông tin tài chính. Hãy coi ngân hàng như một nhà đầu tư. Ngân hàng chỉ mua trái phiếu khi họ thấy việc mua trái phiếu đem lại lợi nhuận.

"Tôi nghĩ câu chuyện ở đây không phải chuyển rủi ro từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác. Bản thân ngân hàng là định chế tài chính có công cụ để tính toán rủi ro. Để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu Việt Nam cần kiểm soát và có những biện pháp kiểm soát từ những doanh nghiệp phát hành trái phiếu" - bà Vân đánh giá.

Đồng thời, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33 và Nghị định 08 ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn