MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiết kế: Thạch Lam

Hợp đồng chuyển nhượng đất chỉ chứng thực tại xã có hiệu lực không?

Thạch Lam (T/H) LDO | 27/05/2024 10:30

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, hợp đồng chuyển nhượng đất dù công chứng hay chứng thực thì đều có giá trị pháp lý như nhau khi sang tên giấy chứng nhận.

Hợp đồng chuyển nhượng chỉ chứng thực tại xã có được công nhận?

Theo đó, người dân hoàn toàn có thể ra Ủy ban nhân dân (UBND) xã để thực hiện chứng thực. Việc chứng thực thay vì công chứng hợp đồng không ảnh hưởng gì đến giá trị pháp lý khi sang tên sổ đỏ, sổ hồng.

Do vậy có thể hiểu, hợp đồng chuyển nhượng đất chứng thực tại xã vẫn được công nhận hiệu lực pháp lý. Và tùy thuộc vào khoảng cách địa lý, việc đi lại, chi phí và nhu cầu thực hiện mà các bên chuyển nhượng có thể lựa chọn hình thức công chứng hay chứng thực.

Theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng và việc chứng thực được thực hiện tại UBND cấp xã.

Tuy nhiên người dân cần lưu ý, việc có giá trị pháp lý ngang nhau khi sang tên giấy chứng nhận không đồng nghĩa với việc có giá trị pháp lý ngang nhau khi thực hiện tranh chấp, khởi kiện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, các bên nên lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng nơi có đất.

Thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất tại UBND xã

* Hồ sơ cần chuẩn bị

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng thì cần xuất trình bản chính các loại giấy tờ sau để đối chiếu:

- Giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, Hộ chiếu còn giá trị sử dụng…)

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Dự thảo hợp đồng, giao dịch (nếu có).

* Trình tự thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và mang đầy đủ hồ sơ ra UBND xã, phường nơi có đất để yêu cầu chứng thực.

Lưu ý: Các bên tham gia giao dịch phải ra trực tiếp UBND xã, phường để chứng thực hợp đồng.

Bước 2: Người tiếp nhận hồ sơ hoặc người thực hiện chứng thực sẽ kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, kiểm tra năng lực hành vi dân sự (minh mẫn trong nhận thức, làm chủ được hành vi) và tính tự nguyện của giao dịch.

Nếu chưa đầy đủ hồ sơ hay phát hiện các bên giao dịch thiếu năng lực dân sự, thiếu minh mẫn trong nhận thức hoặc bị ép buộc giao dịch thì việc chứng thực sẽ không được thực hiện.

Nếu đầy đủ hồ sơ và năng lực dân sự thì chuyển qua bước 3.

Bước 3: Các bên ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người một trong hai bên không biết viết, không ký được thì phải điểm chỉ.

* Trường hợp không thể nghe, không thể ký hay điểm chỉ: phải có 2 người làm chứng.

Người làm chứng phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không liên quan đến quyền lợi hay nghĩa vụ của hợp đồng, giao dịch. Người làm chứng đó sẽ do người yêu cầu chứng thực bố trí.

* Trường hợp không thông thạo tiếng Việt: phải có phiên dịch.

Người phiên dịch phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu chứng thực sử dụng. Người phiên dịch sẽ do người yêu cầu chứng thực mời hoặc chính cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định.

Thù lao phiên dịch: do người yêu cầu chứng thực trả.

Người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của hợp đồng, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang của hợp đồng với tư cách là người phiên dịch.

Bước 4: Người thực hiện chứng thực sẽ làm lời chứng tương ứng với hợp đồng theo mẫu quy định.

Bước 5: Nộp phí chứng thực và nhận lại hợp đồng.

Thời hạn giải quyết: Không quá 2 ngày làm việc.

Phí chứng thực: 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn